Cụ thể, các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông vẫn đổ lượng lớn vốn vào việc săn mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp Việt, các dự án cấp mới chi chiếm 1/4 lượng vốn của họ.
Các nhà đầu tư từ đặc khu hành chính Hồng Kông bỏ vốn vào Việt Nam khoảng 6,7 tỷ USD, trong đó các dự án cấp mới là 294 dự án, số vốn là 1,9 tỷ USD (bình quân mỗi dự án là 6,4 triệu USD); các dự án mua cổ phần, cổ phiếu được các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông đổ vốn vào nhiều hơn với 4,1 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng vốn đầu tư.
Người ta luôn đặt câu hỏi lớn về chất lượng của dòng vốn Trung Quốc khi rất nhiều dự án đội vốn, dính nghi án công nghệ cũ lạc hậu, rủi ro môi trường cao...
Mỗi dự án đầu tư cổ phần, góp vốn và mua cổ phiếu, nhà đầu tư Hồng Kông chi số tiền trung bình khoảng 24,4 triệu USD, con số khá lớn so với mặt bằng chung.
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lý 11 tháng qua cũng đã bỏ lượng vốn 3,5 tỷ USD, đứng thứ 4 trong nhóm nước đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Singapore, xếp trên cả Nhật Bản, Thái Lan.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký trên 60% số vốn vào các dự án đầu tư mới, với 2,2 tỷ USD cho hơn 615 dự án cấp mới. Tuy nhiên, điều đáng lo là các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc đều có số vốn bình quân/dự án khá nhỏ chỉ 3,5 triệu USD/dự án.
Con số vốn/lượt dự án góp mua cổ phần, cổ phiếu thậm chí còn ở dưới 500.000 USD/lượt dự án.
Việc nhà đầu tư bỏ vốn ít, phân mảnh vẫn tăng cường đầu tư vào Việt Nam cho thấy việc kêu gọi sàng lọc dự án theo tiêu chuẩn chất lượng, vốn lớn chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, vốn nhỏ, phân mảnh của nhà đầu tư Hàn Quốc tăng vào Việt Nam cho thấy họ không đầu tư nhiều, đang thăm dò thị trường. Đây là cuộc chơi của các doanh nghiệp cỡ nhỏ, vừa của Trung Quốc tại Việt Nam.
Tương tự với lượng vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, các nhà đầu tư đến từ Đài Loan cũng đổ lượng vốn khá nhỏ, phân mảnh ở Việt Nam. Trong hơn 1,5 tỷ USD được các nhà tư bản Đài Loan bỏ vào Việt Nam, có hơn 720 triệu USD là bỏ vào các dự án cấp mới, hơn 500 triệu USD bỏ vào các dự án lượt vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu.
Trái ngược với xu hướng tăng đầu tư của Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan của nước này vào Việt Nam, các nhà đầu tư từ Nhật, Hàn, Singapore có xu hướng chững lại hoặc giảm ở VIệt Nam.
Các nhà đầu tư phương tây như Mỹ, Đức, Pháp hay Úc cũng có số vốn khá ít, tăng chậm ở Việt Nam, bất chấp Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào sân chơi thương mại tự do với EU, nơi hàng Việt được miễn thuế ngay khi Hiệp định được Quốc hội thông qua (dự kiến cuối năm nay).
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): “Vốn Trung Quốc hay vốn nước nào vào Việt Nam, về nguyên tắc chúng ta không được phân biệt đối xử về xuất xứ. Tuy nhiên, chúng ta có biện pháp để giảm thiểu đầu tư dự án nhỏ, làm vỡ quy hoạch, công nghệ cũ, thấp là kiểm soát chất dự án án và kiểm soát công nghệ, máy móc nhập khẩu của doanh nghiệp”.
Ông Doanh cho rằng: Việt Nam cần kiên quyết nói không với dự án có công nghệ thấp, ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng và rủi ro quay vòng các công nghệ phế thải của Trung Quốc để đưa vào các liên danh, liên kết nhằm phá huỷ các ngành công nghiệp then chốt của Việt Nam.
Ngoài đầu tư trực tiếp, thời gian qua có hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc mua nhiều dự án bất động sản bán kiểu lúa non (thực chất doanh nghiệp thua lỗ, bán tháo) hoặc đầu tư vào các nhà máy sản xuất, gia công gỗ xuất khẩu. Hình thức đầu tư mua lại dự án lúa non giúp doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội sở hữu nhiều diện tích mặt sàn, căn hộ.
Trong khi đó, hình thức đầu tư mạnh vào ngành gỗ khiến Việt Nam dễ gặp phải kiện chống bán phá giá, truy xuất nguồn gốc xuất khẩu gỗ đi các nước như Mỹ, EU... Thời gian qua, cơ quan hải quan đã cảnh báo thủ đoạn doanh nghiệp mở dự án dưới 3 triệu USD để làm bình phong, nhập gỗ nguyên liệu Trung Quốc về Việt Nam, gia công và tiêu thụ tại nội địa.
Thực tế này khiến ngành gỗ Việt Nam từ đầu năm đến nay khá điêu đúng, tiêu thụ tại các làng nghề gỗ truyền thống như Từ Sơn (Bắc Ninh), Liên Hà (Đan Phượng - Hà Nội)... rất khó khăn.
An Linh