Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect mới đây đã cho ra báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023.
3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế
Trong báo cáo, VNDirect đã đưa ra 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023.
Động lực thứ nhất là du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ. Điều này có được là nhờ kể từ ngày 15/2/2022, Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất các chuyến bay quốc tế và khôi phục chính sách thị thực như trước đại dịch. Đến ngày 15/5/2022, Việt Nam dừng yêu cầu xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách quốc tế và nối lại hoàn toàn hoạt động hàng không quốc tế.
Động lực thứ hai là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo VNDirect, có xu hướng rõ nét rằng Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ là động lực phát triển kinh tế (Ảnh: IT). |
Một yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép xây dựng trong nước giảm 19,7% so với mức đỉnh (giảm 10,6% so với cùng kỳ) và giảm 6,7% so với cuối năm 2021.
Động lực thứ ba là sự chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ hướng tới sự phát triển bền vững.
Việt Nam sẽ tiếp bước Indonesia và Nam Phi nhận gói tài trợ biến đổi khí hậu trị giá ít nhất 11 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào than đá và thúc đẩy triển khai các nguồn năng lượng tái tạo. Được dẫn dắt bởi Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, thỏa thuận tài trợ này nhằm mục đích công bố “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” tại hội nghị thượng đỉnh EU- ASEAN vào ngày 14 tháng 12 sắp tới. Khoảng 5 - 7 tỷ USD sẽ đến từ các khoản vay và trợ cấp của khu vực công, và phần còn lại từ các nguồn tư nhân.
4 thách thức của nền kinh tế
Thách thức đầu tiên phải kể đến là xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do cầu thế giới suy yếu.
Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Fitch, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng được dự báo đạt 2,5% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Đà tăng lãi suất điều hành quyết liệt của Fed sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và EU - đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2023.
Việc mở cửa trở lại và nhu cầu nội địa phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc khó có thể bù đắp được nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại Mỹ và châu Âu trong năm 2023. Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023 và dự báo giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 9-10% so với cùng kỳ trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng dự báo của năm 2022 là 14%.
Thặng dư thương mại của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2023 từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022.
Thách thức thứ hai là áp lực lãi suất và tỷ giá còn kéo dài cho đến ít nhất là quý II/2023.
"Bước sang năm 2023, chúng tôi nhận thấy áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quý II/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn", báo cáo nêu.
Áp lực lãi suất và tỷ giá còn kéo dài cho đến ít nhất là quý II/2023 (Ảnh: VND). |
Thách thức thứ ba là lạm phát sẽ tăng trong năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, theo nhìn nhận của VNDirect.
Cụ thể, các yếu tố có thể đẩy lạm phát lên gồm: Tăng lương cơ sở, giá nguyên vật liệu tiếp tục cao cho đến quý III/2023, tăng giá các dịch vụ thiết yếu, lãi suất tăng làm tăng chi phí doanh nghiệp khiến giá đầu ra tăng, tiêu dùng dù tăng trưởng chậm lại nhưng được bù đắp bởi xu hướng phục hồi du lịch.
"Mùa đông đang đến với thị trường bất động sản" là thách thức thứ tư mà VNDirect nêu ra.
VNDirect cho biết nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) trong nước đang bước vào chu kỳ giảm: (1) Các doanh nghiệp BĐS khó tìm được cách đảo nợ do các quy định chặt chẽ hơn về phát hành TPDN và thắt chặt tín dụng; (2) lãi suất vay mua nhà tăng kéo theo nhu cầu mua nhà giảm và (3) nguồn cung mới sụt giảm đến từ trì hoãn quá trình phê duyệt dự án do chờ Luật Đất đai sửa đổi.
Tuy nhiên, chu kỳ giảm này có thể khác với đáy của chu kỳ năm 2011-2013. Cụ thể, tình trạng tài chính của các doanh nghiệp BĐS đã niêm yết hiện đang tốt hơn so với chu kỳ giảm lần trước. Vì vậy, chu kỳ giảm lần này sẽ có ít khốc liệt hơn và với thời gian ngắn hơn. Bên cạnh đó, việc luật Đất đai 2023 có thể có hiệu lực từ nửa cuối năm 2024 sẽ giải quyết nút thắt trong phê duyệt các dự án khu đô thị mới, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ năm 2024-2025.
Thảo Thu