Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho biết như vậy trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay (9/11).
Chưa biết khi nào được gỡ thẻ vàng
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thủy sản Việt Nam đang bị thẻ vàng của châu Âu, giải pháp nào gỡ thẻ vàng và khi nào gỡ được?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Sau gần 3 năm, tất cả các văn bản pháp lý theo 11 khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa vào thể chế bằng Luật Thủy sản, Nghị định, Thông tư đã ban hành.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường (ảnh: Quốc Chính)
Về hành động, Việt Nam đã tiến hành điều tra với trữ lượng hơn 4,5 triệu tấn làm cơ sở cho việc hoạch định phát triển các phương tiện và lượng khai thác.
Đối với việc tập trung quản lý đội tàu, Việt Nam có tổng số 31.600 tàu loại từ 15m trở lên, hoạt động ở vùng EU quy định.
Hiện nay việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là thiết bị quan trọng để kiểm soát, tuy nhiên bình quân mới chỉ lắp đặt được khoảng 84%.
Trong số 2.600 chiếc tàu dài hơn 24m bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì hiện đã lắp đặt được 85%, có 9 tỉnh đã thực hiện xong 100%, còn lại vẫn đang thực hiện. Loại tàu từ 15m đến dưới 24m mới lắp đặt được khoảng 82,4%.
Toàn bộ thiết chế hạ tầng bao gồm cảng cá, khu neo đậu của Việt Nam hiện chưa đảm bảo nên cũng gây ảnh hưởng đến công tác kiểm soát.
Về vi phạm tàu cá, khu vực Thái Bình Dương hoàn toàn không có tàu Việt Nam vi phạm, nhưng khu vực biển phía Nam năm nay vẫn còn có 73 vụ vi phạm.
“Đây là việc tối kỵ, bởi còn vi phạm thì không bao giờ gỡ được thẻ vàng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho biết việc khai báo thủy sản khai thác và thủy sản nhập vẫn còn phải chấn chỉnh.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ này đã có báo cáo đầy đủ về các biện pháp, Ban Bí thư đã có Chỉ thị, Chính phủ cũng đang tập trung triển khai để hoàn thiện các thể chế về khai thác, trong đó có nhóm giải pháp lớn nữa là tái cơ cấu theo hướng tập trung nuôi biển để giảm thiểu áp lực lên hoạt động khai thác.
Ưu tiên phát triển kinh tế miền núi
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Kim Xuân (đoàn Đắk Lắk) về chiến lược phát triển cây mắc ca, Bộ Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa mục tiêu. Hai vùng phù hợp là Tây Nguyên và Tây Bắc, với 16.500 ha.
“Để cây trồng nay phát triển hiệu quả thì chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, hiện các cơ sở được cấp phép có công suất cung cấp 3 triệu cây giống/năm; tuân thủ nghiêm quy tình, kỹ thuật được hướng dẫn; phải gắn với cơ sở chế biến… Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện chiến lược phát triển cây mắc ca đến năm 2025” - ông Cường thông tin.
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về chuyển đổi số ở khu vực miền núi, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: trong Đề án chuyển đổi số đã được Thủ tướng phê duyệt, thì chuyển đổi số cho vùng sâu,vùng xa được ưu tiên, vì càng nơi khó khăn thì chuyển đối số càng hiệu quả, chuyển đổi số bắt đầu từ nơi khó.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh toán điện tử. Bà con vùng sâu xa có một khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có đề án phối hợp để bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/chiếc cho bà con.
“Chúng tôi đã triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 10 xã, đặc biệt tập trung các xã miền núi. Một xã ở tỉnh Bắc Kạn nhờ việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại nên thu nhập bà con trong HTX đã tăng từ 1 - 1,5 triệu lên 3 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh