Fica
  1. Thời sự

Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Âu - Mỹ lựa chọn vào chuỗi cung ứng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong 12 tháng tới, theo một khảo sát của Qima - nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng.

Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Âu - Mỹ lựa chọn vào chuỗi cung ứng - 1

1/4 doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu đã coi Việt Nam là một trong 3 thị trường chuỗi cung ứng hàng đầu. (Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù Trung Quốc đã hồi phục tương đối mạnh mẽ sau đại dịch, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục.

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát do Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng - thực hiện với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 3 vừa qua.

Theo đó, nếu như năm 2019, 96% doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ và 100% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu coi Trung Quốc là một trong 3 nguồn cung ứng lớn nhất của họ thì tỷ lệ đó đã lần lượt giảm xuống còn 77% và 80% trong quý I/2021.

Vốn bị tác động mạnh bởi cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Trung Quốc với tư cách là nhà cung ứng cho các doanh nghiệp phương Tây đã phải chịu thêm cú sốc mới vào đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hoành, buộc phải đóng cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ và châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nước này vẫn là điểm đến hàng đầu của nguồn cung ứng.

Đối với các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc, hơn 85% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng Trung Quốc là một trong ba nguồn cung ứng hàng đầu cho các sản phẩm khuyến mại, đồ điện tử và đồ chơi.

"Điều này cho thấy, mặc dù nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, người mua vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là một trong những đối tác sản xuất quan trọng nhất và mong muốn duy trì kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp Trung Quốc", báo cáo khảo sát cho biết.

Là một trong những thị trường cung ứng thay thế Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã duy trì được vị thế của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động và đầu năm 2021. Theo cuộc khảo sát, 1/4 doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu đã coi Việt Nam là một trong 3 thị trường cung ứng hàng đầu.

Trước khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, một số doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành dệt may, đã chuyển nhà máy đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất khác cũng đã chuyển đến Việt Nam kể từ thương chiến bắt đầu.

Ấn Độ, vốn được coi là cường quốc dệt may và hiện phải vật lộn với đại dịch Covid-19, cũng được xem là một trong những thị trường cung ứng hàng đầu. Ít nhất 1/3 số doanh nghiệp khảo sát trong lĩnh vực sản phẩm khuyến mại, kính mắt, trang sức, phụ kiện thời trang và giày dép đã "bỏ phiếu" cho Ấn Độ.

Cũng theo cuộc khảo sát, Việt Nam đặc biệt được các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ ưa chuộng. Tỷ lệ các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ coi Việt Nam là một trong 3 khu vực cung ứng hàng đầu đã gấp đôi trong 4 năm qua, đạt 43% trong đầu năm 2021.

25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này cũng đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý 1/2021. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn 15 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 11% so với năm 2019. Điều này là do Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ 1/8.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chuyển sang các nhà cung cấp khác vào năm ngoái để tránh đại dịch và các rủi ro khác, có 1/3 doanh nghiệp cho biết Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của họ. Riêng với doanh nghiệp Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 40%.

Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong năm 2021. Trong số những doanh nghiệp được hỏi có ý định tìm kiếm các nhà cung ứng mới trong 12 tháng tới, có 38% doanh nghiệp Mỹ và 28% doanh nghiệp châu Âu cho biết có kế hoạch chọn Việt Nam hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp ở đây.

Trong khi đó, chỉ có 6% và 11% các thương hiệu có trụ sở tại Mỹ, EU cho biết, họ vẫn tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc.

Nhật Linh
Theo SCMP