Một áp phích tuyên truyền về việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona tại Hà Nội. Ảnh: AFP
Ông Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á tại Tổ chức dự báo kinh tế Oxford Economics nhận định, Việt Nam có thể không tránh khỏi sự sụt giảm do ảnh hưởng từ nhu cầu trên toàn cầu. Nhưng ông cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái.
Đó là bởi Việt Nam đã hạn chế biên sớm và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ cuộc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam.
Bình luận này của ông Fenner đưa ra sau khi Việt Nam cho phép các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại từ cuối tháng 4.
Hôm thứ 2 vừa qua, Việt Nam đã cho phép hàng triệu học sinh, sinh viên quay trở lại trường học sau 3 tháng ở nhà. Đây là nước đầu tiên ở Đông Nam Á dỡ bỏ hạn chế di chuyển.
Mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc – nơi khởi điểm của dịch Covid-19 - song Việt Nam chỉ có 271 trường hợp dương tính với virus corona và không có trường hợp nào tử vong ở một đất nước dưới 100 triệu dân này. Trong 3 tuần gần đây, Việt Nam cũng không ghi nhận thêm bất kỳ địa phương nào có ca lây nhiễm mới.
Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 được cho là do Chính phủ đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn từ sớm, dựa trên kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS năm 2003. Trước đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước đầu tiên được loại khỏi danh sách các nước có bệnh truyền nhiễm.
Lần này, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với việc đi lại và những người có khả năng bị nhiễm bệnh từ rất sớm.
Chính phủ đã nhanh chóng đóng cửa đất nước, cách ly bất cứ ai khi nhập cảnh vào Việt Nam. Việt Nam cũng đã ngừng các chuyến bay quốc tế từ ngày 20/3 khi dịch bùng phát ở châu Âu.
Mặc dù vẫn còn có nghi ngờ về các số liệu của Việt Nam song Tổ chức Capital Economics có trụ sở tại Anh cũng cho rằng, Hà Nội sẽ không mở cửa trở lại nếu không chắc chắn dịch bệnh đã được kiểm soát.
“Đây rõ ràng là tin tốt cho nền kinh tế nước này”, ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cao cấp châu Á tại Capital Economics nói.
Tuy vậy, ông Leather cho rằng, việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ không thể ngăn chặn nền kinh tế khỏi sự giảm mạnh trong năm nay vì cuộc sống không thể ngay lập tức phục hồi như mức trước đại dịch. Ông cho rằng, lý do chính khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn suy yếu là do triển vọng toàn cầu đang xấu đi.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhất trong khu vực khi xuất khẩu đóng góp trên 70% GDP. Đây cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Leather nói.
Theo ông Leather, trong tháng 3, hoạt động xuất khẩu đã giảm 12,1% so với năm ngoái và điều tồi tệ nhất có thể chưa xảy ra. Du lịch chiếm khoảng 4% GDP nhưng sẽ vẫn ổn định.
Ông Leather dự đoán, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP ở mức 0,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 7,0% trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 2,7% trong năm nay.
Nhật Linh
Theo CNBC