Fica
  1. Thời sự

Vì sao sầu riêng Việt giá cao 200.000 đồng/kg, Malaysia bán tới 1.000 USD/trái?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bà Phan Thị Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc - cho biết, vấn đề nông sản Việt cần đặc biệt quan tâm là xây dựng thương hiệu nông sản. "Một trái sầu riêng Việt hiện bán được 200.000 đồng/kg được xem là ở mức giá rất cao, Malaysia có loại sầu riêng bán được tới 1.000 USD/trái" - bà My nói.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc" diễn ra ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết: Cách đây 2 ngày, Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Việc này giúp thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày và chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%.

“Nếu doanh nghiệp Việt Nam không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí. Đây là thách thức lớn trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Ông Vương Trịnh Quốc - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai - cho biết, từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường như trước khi chưa có dịch.

Trong một tháng qua đã có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%”, ông Quốc nói và cho rằng, thời gian tới xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dự báo bùng nổ trở lại khi các xe hàng của doanh nghiệp đang tấp nập về cửa khẩu.

Tránh làm ăn gian lận

Tại diễn đàn, chia sẻ về tiềm năng và giải pháp để nông sản Việt cạnh tranh tại Trung Quốc, bà Phan Thị Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc - cho rằng, quan điểm sai lầm của nhiều doanh nghiệp Việt là coi Trung Quốc là thị trường dễ tính.

Đến nay, Trung Quốc đã có những tiêu chuẩn cao cấp, đòi hỏi khắt khe như thị trường Mỹ, châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần lưu ý về cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt với “cơn sốt” sầu riêng hiện nay.

“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy khả năng cao sẽ bị đối tác Trung Quốc trả lại. Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Đặc biệt, trường hợp một số doanh nghiệp mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn”, bà My cảnh báo.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng, nông sản Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm

Theo bà My, vấn đề nông sản Việt cần đặc biệt quan tâm là xây dựng thương hiệu nông sản, trong khi chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước khác, nhưng việc yếu về thương hiệu khiến giá trái cây Việt còn thấp hơn các nước.

“Ví dụ, một trái sầu riêng Việt hiện bán được 200.000 đồng/kg được xem là ở mức giá rất cao nhưng nếu có thương hiệu được đăng ký giá sẽ cao hơn. Chẳng hạn, Malaysia có loại sầu riêng bán được tới 1.000 USD/trái" - bà My nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, năm 2023 sẽ là một năm tươi sáng cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ngay từ tháng 1, ngành rau quả đã ghi nhận sự tăng trưởng cao ở các thị trường Mỹ Australia, Canada, châu Âu.

Theo ông Tùng, hiện hiệp hội có khoảng 20 doanh nghiệp đang tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Berlin (Đức). Đặc biệt, từ sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường, hiệp hội cũng đón nhiều tập đoàn lớn từ Hồng Kông, Thượng Hải sang tìm kiếm bạn hàng.

“Đây là thời cơ song cũng là thách thức khi các doanh nghiệp cần đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, giữ được giá trị sau khi các sản phẩm lên kệ tại siêu thị nước ngoài. Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và đặt ra những hàng rào kỹ thuật riêng nên doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm... đối với rau quả xuất khẩu”, ông Tùng nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần để cho thế giới thấy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, vùng nguyên liệu lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu khắt khe, khắc phục tồn tại về vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún đã diễn ra nhiều năm qua.

Tiếp tục đàm phán nhiều loại rau quả xuất chính ngạch

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong tổng lượng nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc hiện đạt trên 260 tỷ USD, chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.

Trong thời gian tới, ông Hòa cho rằng thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc qua ngả Vân Nam sẽ có khởi sắc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ, từ nay đến 30/6.

Riêng với mặt hàng hoa quả, Bộ NN&PTNT đang đàm phán với Trung Quốc đưa nhóm hoa quả tiếp theo như bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa vào các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong