Fica
  1. Thời sự

Vay 5 triệu đồng trả 100 triệu đồng chưa hết, bạn gái cũng bị lôi ra tung lên mạng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Rất nhiều người vay nóng qua app bị rơi vào vòng luẩn quẩn, không thoát ra được. Nhắm mắt vay liều do thấy điều kiện dễ dãi, chỉ đến khi không thể trả nợ đúng hạn mới biết bị dính bẫy, lãi chồng lãi, mất hết nhà cửa, tài sản.

Nợ trả mãi không hết

Đang thiếu tiền, chưa biết xoay xở đâu ra để đóng tiền học cho con, anh Trần Yên Phong ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội quyết định vay qua app. Khoản vay của anh là 2 triệu đồng, thời hạn 14 ngày, nhưng thực tế anh chỉ được nhận 1,4 triệu đồng. Số tiền 600.000 đồng anh bị trừ lãi suất và phí quản lý.

Tuy nhiên, không thể lo đủ tiền trả nợ đúng hẹn anh liên tục bị đòi nợ kiểu khủng bố. Quá mệt mỏi, anh đành nhắm mắt đi vay từ các app sau để trả nợ cho app trước. Từ khoản vay đầu 2 triệu tại 1 app, sau hơn 2 tháng, anh đã vay thêm 4 app nữa và số tiền nợ lên tới 18 triệu đồng. Anh đang loay hoay không biết làm gì để thoát khỏi cái bẫy này, bởi càng để lâu, số nợ càng tăng và càng khó trả.

Vay 5 triệu đồng trả 100 triệu đồng chưa hết, bạn gái cũng bị lôi ra tung lên mạng - 1

Những lời cảnh báo trên mạng về cho vay qua app

Anh Nguyễn Thịnh ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội cũng là nạn nhân khi vay tiền qua app. Đăng ký vay 4 triệu đồng trong 7 ngày với lãi suất 0,02%/ngày. Thế nhưng, anh nhận được có 2,5 triệu đồng, khoản 1,5 triệu đồng bị trừ gồm phí thẩm định và tiền lãi thu trước (tương đương lãi suất 5,5%/ngày, tức 165%/tháng). Do không trả nợ đúng hạn, lại bị đe dọa, anh phải vay tiền qua app khác.

Giờ số tiền nợ lên tới trên 20 triệu đồng. Không đòi được tiền, bên cho vay đe dọa gia đình anh Thịnh, lập hàng loạt facebook ảo khủng bố bạn bè anh. “Bạn gái tôi cũng bị họ liên tục bôi nhọ, bêu riếu trên mạng xã hội, tố là người câu kết với tôi để lừa đảo chiếm đoạt tiền”, anh Thịnh kể.

Một khách hàng khác là Phan Châu Yên ở đường Đỗ Xuân Hợp, phường Châu Long B, Quận 9, TP.HCM cho hay có vay 10 triệu đồng tại app trên mạng, nhưng không thể trả hết nợ. Cô phải đi vay các app khác để trả. Giờ số nợ đã lên đến 100 triệu đồng, trong khi thực tế số tiền vay chỉ khoảng 35 triệu đồng. Giờ cô phải nghỉ việc vì bị đòi nợ kiểu khủng bố, trong khi đang mang bầu và không biết làm thế nào để thoát ra.

Thậm chí, có khách hàng không vay tiền nhưng vẫn bị truy nợ và luôn phải sống trong sợ hãi. Anh Nguyễn Quang Cần ở Thanh Xuân (Hà Nội) kể có ý định vay khoản tiền nhỏ từ app. “Tôi có gọi điện đến đường dây nóng để xin hướng dẫn cách tải ứng dụng về điện thoại và tư vấn về khoản vay. Tuy nhiên, sợ lãi suất cao nên thôi không vay nữa. Vậy mà tôi liên tục bị đòi nợ với khoản tiền nợ ban đầu là 500.000 đồng”, anh nói.

Phía đòi nợ lý giải đó là khoản phí tư vấn cho khách hàng theo quy định, vì không trả nên anh liên tục bị khủng bố qua điện thoại. Chặn số này, chúng lại dùng số khác gọi bất kể ngày đêm. Không những thế cứ mỗi ngày không trả anh lại bị tính lãi suất, số tiền nợ cứ thể tăng chóng mặt.

Thủ đoạn của các app cho vay là không tính lãi cao để dụ “con mồi” vào bẫy, nhưng sau đó tính phí các loại cao ngất, cộng vào khiến cho lãi suất cuối cùng rất cao.

Khi PV thử hỏi vay 8 triệu đồng, thời hạn 10 ngày qua app sẽ chỉ phải trả lãi 200.000 đồng. Nghe thì thấy rất nhẹ nhàng, song nếu biết các khoản phí cộng vào thì vô cùng lớn. Chẳng hạn, phí dịch vụ cho khoản vay này là 500.000 đồng, phí tư vấn 2 triệu đồng trừ ngay vào khoản vay; đến cuối kỳ, khách vẫn phải trả đủ 8 triệu đồng. Nếu không trả đúng hẹn thì lãi cứ thế cộng vào 150.000 đồng/ngày. Khổ nhất là bị bọn đòi nợ tra tấn, nếu hoảng loạn đi vay tiền app khác để trả thì nợ càng chồng chất, có khi đi làm đến hết đời chưa chắc đã trả xong.

Vay 5 triệu đồng trả 100 triệu đồng chưa hết, bạn gái cũng bị lôi ra tung lên mạng - 2

Mặc dù công an đã vào cuộc, nhưng do là quan hệ dân sự nên không làm gì được.

Tung hoành trên mạng

Qua phản ánh của các nạn nhân vay tiền qua app, PV tìm hiểu và ghi nhận loại hình này đang hoạt động rất rầm rộ. Chỉ cần gõ tìm kiếm từ “app vay tiền”, sẽ cho ra khoảng 40 ngàn kết quả là các app cho vay đủ loại, trực thuộc các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending). Trong số này nhiều nơi đang cho vay với lãi suất “cắt cổ”, thấp cũng khoảng 400%/năm. Có thể nói, đây chính là hoạt động tín dụng đen trên mạng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, bất kỳ tổ chức tài chính nào muốn thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng như: huy động vốn và cho vay, kể cả các hình thức huy động và cho vay qua app, phải có giấy phép hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, những app huy động vốn và cho vay khi chưa được cấp phép đều là hoạt động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, mô hình cho vay qua app đang bùng nổ và chủ yếu đăng ký dưới dạng công tư vấn đầu tư, môi giới tài chính,... ngang nhiên tung hoành, thách thức pháp luật.

Chị Hoàng Thị Xuân ở Lũy Bán Bích, quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết mình cũng là nạn nhân của vay qua app, may là có gia đình giúp đỡ. Trong vòng 2 tháng, chị phải trả hơn 20 triệu tiền lãi. Ban đầu, chị chỉ vay 5 triệu đồng trong 10 ngày, khi trả thành 7,2 triệu đồng. Trễ hẹn 1 ngày trả 120 ngàn. Tới hạn chưa trả kịp, chị bị chúng gọi điện gửi tin nhắn khắp nơi bôi xấu, còn thách thức chị báo công an xem có làm gì được không.

Anh Vũ Văn Tiến, thị xã Dĩ An, Bình Dương từng là nạn nhân của cho vay qua app mà không thoát ra được. Mặc dù công an đã vào cuộc, nhưng do là quan hệ dân sự nên không làm gì được. Mọi việc đâu lại hoàn đó, chúng vẫn hoạt động bình thường.

Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi, tại sao cơ quan pháp luật lại để cho hoạt động này diễn ra ngang nhiên như vậy? Nếu thả cửa với việc cho vay qua app như hiện nay, càng để lâu càng gây bất ổn về kinh tế, xã hội. “Thời đại 4.0 mà luật pháp của Nhà nước không theo kịp thì hậu quả an ninh trật tự xảy ra khó lường’, một ý kiến lo lắng.

Theo các chuyên gia tài chính, mô hình cho vay P2P không thể cấm vì đó là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ. Cách thức cho vay là không thông qua ngân hàng thương mại, chỉ có đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và người vay, giống như Uber, Grab trong lĩnh vực taxi. Mô hình này có nhiều ưu điểm, chi phí thấp, giải ngân nhanh. Cho vay ngang hàng nếu hoạt động nghiêm túc sẽ góp phần triệt tiêu tín dụng đen.

Tuy nhiên, mô hình này đang bùng nổ và biến tướng, trở thành phương tiện để tín dụng đen hoành hành. Do đó, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý và cung cấp thông tin đầy đủ cho người vay và cả nhà đầu tư. Chỉ khi nào có quy định xử lý cụ thể, rõ ràng thì cho vay qua app núp bóng tín dụng đen mới chấm dứt hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho hay, vay vốn theo hình thức P2P có dư nợ khoảng 65.000-70.000 tỷ đồn mỗi năm, tương đương quy mô một ngân hàng cỡ nhỏ tại Việt Nam. Dù biết là lãi suất “cắt cổ” những vẫn có nhiều người vay. Có một số công ty, mỗi ngày xử lý từ 4.000-5.000 giao dịch vay vốn.

Như vậy có thể nói nhu cầu vốn của người dân rất nhiều, nhất là những khoản vay nhỏ phục vụ cho nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng nên đành phải vay qua app.

Theo Trần Thuỷ

VietnamNet

Vay 5 triệu đồng trả 100 triệu đồng chưa hết, bạn gái cũng bị lôi ra tung lên mạng - 3

Tin liên quan