Fica
  1. Thời sự

Từ vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, Việt Nam cần làm gì tránh điều tương tự?

Trước nguy cơ mùa mưa lũ kéo dài, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần có phương án quản lý dòng chảy, lưu vực, dự báo thuỷ văn, có nghiên cứu tính toán hợp lý. Đồng thời, ông Ngãi nhấn mạnh đến yếu tố “đảm bảo đúng quy trình” trong quản lý, vận hành các hồ đập.

Nhiều ngôi làng bị chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập tại Lào (Ảnh: BBC).

Nhiều ngôi làng bị chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập tại Lào (Ảnh: BBC).

Công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đang được xây dựng tại phía nam Lào bất ngờ bị vỡ vào tối 23/7, trút khối nước khổng lồ xuống khu vực hạ lưu. Sự cố bất ngờ này khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và gần 7.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa.

Công ty chịu trách nhiệm thi công công trình xây dựng đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy cho biết, mưa lớn và lũ lụt liên miên những ngày qua là nguyên nhân khiến con đập bị vỡ.

Ở Việt Nam, chúng ta đã có bài học về vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh Miền trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai). Do các sự cố vỡ đập trên đều xảy ra khi các công trình đang thi công hoặc mới bắt đầu tích nước, nên khi đập vỡ không gây thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, hệ thống thủy điện ngày càng dày đặc, trong khi đang thời điểm mùa mưa lũ thì việc cần có những biện pháp nhằm ngăn chặn các tình huống xấu nhất xảy ra là cực kỳ cần thiết.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, chất lượng công trình, khâu vận hành quản lý… là yếu tố quan trọng đối để đảm bảo an toàn cho các đập thuỷ điện.

Bên cạnh nguyên nhân vỡ đập cho khâu chất lượng kém, quản lý vận hành cẩu thả, không đảm bảo quy trình, ông Ngãi cho rằng còn có nguyên nhân khách quan do thiên nhiên, bao gồm động đất, sạt lở, mưa lớn gây nên lũ lớn vượt quá tần suất thiết kế công trình.

“Lũ về dồn dập, ồ ạt quá mà khâu quản lý không kịp ứng phó được thì sẽ dễ dẫn đến việc vỡ đập. Việc quản lý ứng phó để đảm bảo an toàn hồ đập đã có cả một quy trình. Cứ nơi nào làm đúng quy trình thì không có đáng lo ngại”, ông Ngãi nói.

Nhận xét về mức độ an toàn của các hồ đập Việt Nam hiện nay, ông Ngãi cho biết, từ trước đến nay ngoài có 1 vài vụ ở mấy thuỷ điện nhỏ, còn lại các công trình thuỷ điện lớn thì chưa xảy ra trường hợp bị vỡ.

Tuy nhiên trước nguy cơ mùa mưa lũ kéo dài, ông Ngãi cho rằng cần có phương án quản lý dòng chảy, lưu vực, dự báo thuỷ văn, có nghiên cứu tính toán hợp lý. Đồng thời nhấn mạnh đến yếu tố “đảm bảo đúng quy trình” trong quản lý, vận hành các hồ đập.

Lo lắng trước sự cố vỡ đập xảy ra ở Lào, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng cần thiết phải kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ - đập. Đồng thời các biện pháp đề ra phải được thực hiện và phải có chế tài và cơ chế giám sát việc thực hiện.

Việc kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập thủy điện cần xem xét ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công, hiện trạng công trình và quy trình vận hành của công trình nhất là với hệ thống thủy điện bậc thang.

Trong điều kiện thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn (một phần do biến đổi khí hậu), rừng đầu nguồn có tác dụng điều hòa và giảm dòng chảy lũ ngày càng bị tàn phá, bị chuyển đổi mục đích sử dụng thì sự mất an toàn hồ đập trong đó có đập thủy điện có nguy cơ gia tăng.

Khi xảy ra sự cố vỡ một công trình hồ chứa thì đây sẽ là thảm họa. Sự cố vỡ đập thủy điện Bản Kiều (Trung Quốc) đầu tháng 8/1975, do siêu bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc đã khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói. Mới đây nhất tại Lào, những con số thống kế bước đầu về thiệt hại khiến chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng…

Nguyễn Khánh

Tin liên quan