Thương vợ tha phương với gánh hàng rong
Ở thôn Tùng Chánh (xã Cát Hiệp), vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sang nổi tiếng bởi “độ liều” cùng những gian truân, khổ cực, đặc biệt là câu chuyện kỳ tích mà họ đã cùng nhau trải qua. Để trở thành tỷ phú ở làng quê nghèo, đôi vợ chồng này từng lâm cảnh nợ nần chồng chất, có lúc họ đã tính đến chuyện bán đất đai, vườn tược để lo trả nợ.
Tỷ phú nông dân Nguyễn Ngọc Sang đang tắm cho đàn lợn ở trang trại.
Vắn tắt về cuộc đời mình, anh Sang kể, vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó, năm 1991 anh lấy vợ. Thời điểm đó, tiền mừng cưới của 2 vợ chồng gom góp chỉ khoảng 1 chỉ vàng. Sau đám cưới, vợ chồng anh dùng số tiền này mua được một con nghé với mong muốn phát triển kinh tế gia đình nhưng chỉ ít lâu, con nghé chết vì bị bệnh.
Năm 2015-2018, nông dân Nguyễn Ngọc Sang vinh dự đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Anh Sang cũng từng nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh cấp tỉnh và nhiều giấy khen của xã, huyện…
Cuộc sống ở quê “thiếu trước hụt sau”, vợ chồng anh Sang phải tạm xa nhau để kiếm tiền nuôi 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. Khi đó, anh Sang ở nhà với nghề thợ mộc, còn vợ phải lặn lội vào các tỉnh phía Nam để bán hàng rong kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Lúc ấy, cuộc sống quá khổ cực nên vợ chồng tôi quyết định tạm xa nhau thời gian. Tôi thì ở nhà làm nghề mộc nuôi 3 đứa con, còn vợ vào Nam đi bán hàng rong, cứ khoảng 20 ngày mới về nhà. Nhiều đêm nằm nghĩ thương vợ nên tôi khuyên vợ về quê, có rau ăn rau, dù khổ cực nhưng vợ chồng có nhau nên vợ tôi đồng ý”, anh Sang kể.
Năm 2000, dành dụm được số vốn ít ỏi, vợ chồng anh Sang mua được 3ha đất ở thôn Tùng Chánh, rồi bắt đầu khởi nghiệp từ 500 con gà. “Lứa gà đầu tiên, sau khi bán trừ chi phí thức ăn, không tính công vợ chồng bỏ ra thì còn lãi hơn 20 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư nuôi lứa tiếp theo với 3.000 con gà. Thế nhưng, lần này lỗ gấp 3 lần số lãi ban đầu vì giá gà thời điểm đó quá rẻ”, anh Sang kể.
Anh Sang cho biết, trang trại được khử trùng và kiểm tra rất chặt chẽ.
Thất bại là mẹ thành công, dù thua lỗ nặng nhưng vợ chồng anh Sang không hề nản chí. Đặc biệt, nhờ các lớp tập huấn tại Hội Nông dân huyện Phù Cát và hướng dẫn vay vốn ngân hàng, anh Sang bắt tay vào việc trồng điều, nuôi gà, lợn.
“Khi việc chăn nuôi ổn định và cây điều cho thu hoạch, năm 2013 vợ chồng tôi quyết tâm làm ăn lớn, đầu tư trang trại với số tiền gần 4 tỷ đồng. Đây là khoảng thời gian vợ chồng “ăn không ngon, ngủ không yên”. Thế nhưng, chưa kịp đứng vững thì trang trại bất ngờ thua lỗ đến 3 tỷ đồng khi hàng trăm con lợn thịt phải bán tháo vì giá lao dốc không phanh, chỉ còn 22.000 đồng/kg hơi”, giọng trầm anh Sang nhớ lại những ngày tháng khó khăn.
“Làm liều” đem 3 sổ đỏ đi cầm cố
Sau trận thua lỗ bạc tỷ, vợ chồng anh Sang quyết định đi nước cờ “liều mạng” khi mang 2 sổ đỏ của gia đình và mượn thêm 1 sổ đỏ của anh em họ hàng để cầm cố ngân hàng với hy vọng sẽ vực dậy trang trại đang nằm chờ chết.
Những gốc điều đang cho thu hoạch của trang trại gia đình anh Sang.
“Lúc đưa 3 sổ đỏ đi cầm cố, chân tay tôi run cầm cập, đi không vững, nói chẳng ra hơi…. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu mình không thành công thì chắc phải bán đất, vườn tược mới mong trả hết số nợ”, anh Sang kể.
Sau khi có vốn, anh Sang chú tâm vào việc chăn nuôi lợn, gà… Trong đó, anh đặc biệt chú trọng vấn đề phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Bởi vậy, cửa ngõ vào trang được quản lý rất nghiêm ngặt, người lạ không thể tự ý xâm nhập vào khu chăn nuôi nhằm tránh bị dịch bệnh lây lan…
“Ngoài việc bảo vệ khử trùng bằng vôi, để vào được trang trại thì phải trải qua nhiều bước kiểm tra chặt chẽ, thực hiện đầy đủ các bước sát trùng, khử vi khuẩn. Nhờ vậy, trang trại không hề có dịch bệnh, kể cả dịch tả, cúm...”, anh Sang cho hay.
Sau nhiều năm gây dựng, năm 2018 với diện tích 3ha đất gia đình anh trồng điều, nuôi 120 con lợn sinh sản, 500 con vịt lai và 3.000 con gà/lứa, 400 con lợn thịt/lứa với 3 lứa/năm. Mỗi năm, tổng doanh thu của trang trại lên đến hơn 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lại lãi hơn 3 tỷ đồng.
Theo anh Sang, mỗi tháng trang trại anh chi phí khoảng 600 triệu đồng tiền thức ăn. Trong khí đó, nhờ vào việc liên kết được với thị trường các tỉnh như: Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định nên anh không lo bài toán về đầu ra.
Hiện tại, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động có bằng cấp từ trung cấp, cao đẳng trở lên với mức lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng/người. Ngoài ra, gia đình anh Sang còn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các nông dân khác học hỏi, mỗi năm giúp 12 hộ dân thoát nghèo bền vững, giải quyết 7 lao động mùa vụ khi thu hoạch, chăm sóc điều…
Cũng theo anh Sang, mỗi năm có khoảng 10 sinh viên ở tận Huế, Quảng Nam… xin về thực tập tại trang trại và gia đình anh lo ăn ở cho các cháu yên tâm học tập. Dự định, sắp tới anh sẽ mở rộng quy mô làm ăn lớn gấp 2 lần diện tích nuôi hiện tại.
Doãn Công