Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung tại buổi tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp được tổ chức vào sáng nay (5/10).
Theo đó, ông Cung cho rằng, doang nghiệp (DN) Việt mãi không lớn được vì có tự do kinh doanh nhưng không có an toàn trong luật khiến cho môi trường kinh doanh chứa đầy rủi ro về thể chế, pháp lý.
“DN Việt, doanh nhân Việt chưa thể an tâm cống hiến vì hệ thống pháp luật của ta không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch,… Việc áp dụng luật tùy ý tùy tiện, sáng đúng chiều sai khiến doanh nhân không thể tính toán được kế hoạch phát triển lâu dài làm cho DN cứ nhỏ mãi và không lớn”, ông Cung nhận định.
Các chuyên gia cho rằng DN Việt không muốn lớn và muốn lớn cũng không lớn được. (Ảnh: Hồng Vân) |
Đáng nói, theo một số chuyên gia, DN càng chính thức ở Việt Nam thì càng rủi ro vì phải gặp thanh tra, kiểm tra nhiều vô kể. Thậm chí, một DN đang làm ăn bình thường cũng phải tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra liên miên.
“Cho nên, DN tư nhân Việt thường phát triển đến một mức nào đó rồi họ dừng. Ví dụ như xúc xích Việt Đức của anh Mai Huy Tân rất tâm huyết nhưng chỉ ở một mức nào đó phải dừng vì nếu lớn nữa là không được”, ông Cung cho hay.
Bên cạnh khu vực DN không muốn lớn thì nước ta còn khu vực DN muốn lớn mà không lớn được.
Theo các chuyên gia, khu vực DN này có sáng kiến, có dự án tốt nên muốn huy động nguồn lực để phát triển. Nhưng Việt Nam lại phân bố nguồn lực theo lối xin cho, ai nhiều quan hệ thì xin được chứ không phải ai giỏi, ai có khả năng.
“Cơ chế méo mó như thế và các thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn cũng méo mó khiến DN không thể huy động được nguồn lực thì sao mà lớn được”, ông Cung nhận định.
Do đó, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng, dù phát triển nhanh mạnh nhưng trong chừng mực nào đó họ không muốn lớn và muốn lớn cũng không lớn được. Sáng kiến sáng tạo năng động lắm nhưng DN bây giờ cũng đang tìm kiếm “thẻ xanh, thẻ vàng”. Họ hiện đang suy nghĩ và chọn con đường đó.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, bản thân tư duy của ta từ trên xuống xướng về kinh tế thị trường đang có vấn đề.
“Bây giờ nếu muốn làm thì phải thay đổi từ hệ thống tư duy. Đó là lý do nước ta chưa có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa”, ông Kiên nói.
Đồng tình với ông Kiên, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, DN tư nhân và đặc biệt là DN nhỏ và vừa cần thay đổi tư duy. Hơn nữa, tư duy của cán bộ và toàn xã hội về DN tư nhân cũng cần thay đổi.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng, tư nhân chính là chúng ta. “Tư tưởng, giải pháp cho khu vực kinh tế tư nhân dù ở trong giai đoạn nào cũng nên là thúc đẩy sáng tạo để khu vực này phát triển”, ông Thành nói thêm.
Hồng Vân