Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa ký văn bản gửi các Hiệp hội sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
"Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng tiến độ thông quan không được như trước đây do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng dịch", lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Trước tình hình đó, để tạo thuận lợi cho công tác thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt đề nghị với các doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch.
Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch (mua bán theo hợp đồng; với người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng; giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; quy cách hàng hóa và bao bì đáp ứng quy định của nước nhập khẩu) có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.
Trường hợp vì lý do khách quan nên chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, Bộ Công Thương đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng).
Đối với nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Trước đó theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ ngày 18/8, khi xuất khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), lái xe và chủ hàng không được qua cửa khẩu.
Thay vào đó, họ bàn giao xe cho lái xe chuyên trách người Trung Quốc tại bến bãi khu vực Pò Chài (Trung Quốc). Hàng sau khi được dỡ khỏi xe, lái xe Trung Quốc đánh xe trở lại bãi trao trả.
Phương án điều chỉnh quy trình thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh được tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) thống nhất thí điểm đến ngày 31/8. Sau thời điểm này, hai bên sẽ hội đàm trao đổi, đánh giá và thống nhất lại quy trình xuất nhập hàng hóa, đảm bảo sự đối đẳng và phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng quy trình này sẽ làm phát sinh một số khó khăn, tăng chi phí, và xuất hàng chậm hơn trước đây. Chẳng hạn, do hàng trái cây tươi xuất qua cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu chưa có giao dịch mua bán trước, nên khi lái xe phía Việt Nam giao xe cho lái xe Trung Quốc khó xác định giá trị, số lượng, chất lượng hàng hóa trước khi bàn giao; phát sinh thêm các chi phí khác...
Thông tin cập nhật từ các cửa khẩu Lạng Sơn ngày 18/8 cho thấy, hiện tại vẫn còn lượng lớn xe tồn, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, tính đến ngày 18/8 đã xuất 312 xe, nhập 484 xe (trong đó 465 xe hàng, 19 xe mới); Xe Việt Nam tồn tại Trung Quốc là 352 xe, xe Việt Nam chờ xuất sang Trung Quốc là 115 xe.
Cửa khẩu Tân Thanh, ngày 18/8 ghi nhận xuất 133 xe (trong đó 115 xe hàng, 18 xe không); Nhập 133 xe (trong đó 43 xe hàng, 90 xe không); Tồn tại Trung Quốc 597 xe, tồn bãi Bảo Nguyên 290 xe; Xe Trung Quốc tồn tại bãi 20 xe.
Nguyễn Mạnh