Fica
  1. Thời sự

Trình Thủ tướng kế hoạch ứng phó với châu chấu sa mạc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình châu chấu sa mạc thế giới và khả năng sẵn sàng ứng phó của Việt Nam.

Trình Thủ tướng kế hoạch ứng phó với châu chấu sa mạc - 1

Châu chấu sa mạc đang tàn phá mùa màng ở các quốc gia châu Phi, Tây Á và Nam Á - Ảnh: Reuters.

Tình hình châu chấu sa mạc và châu chấu tre lưng vàng

Theo Bộ NN&PTNT, thông tin mới nhất của FAO, đàn châu chấu sa mạc trưởng thành đã di chuyển đến phía Bắc Ấn Độ. Đến ngày 26/5/2020, đã có ít nhất một đàn châu chấu trưởng thành đến khu vực phía Đông Bắc Bhopal (thành phố ở miền Trung Ấn Độ).

Theo các chuyên gia FAO, từ nay đến tháng 7/2020 dự kiến những đàn châu chấu ở phía Đông sa mạc Rajasthan có thể tiếp tục lây lan sang phía Bắc Ấn Độ và xa nhất đến thành phố Bihar and Orissa thuộc miền Trung Ấn Độ và sau đó di chuyển về phía Tây và trở lại sa mạc Rajasthan bởi sự thay đổi hướng gió mùa.

Cho đến nay, tình hình châu chấu sa mạc vẫn diễn biến phức tạp, các đàn châu chấu di chuyển qua lại theo hướng gió nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không cao.

Trình Thủ tướng kế hoạch ứng phó với châu chấu sa mạc - 2

Tình hình châu chấu sa mạc tại Ấn Độ đến ngày 27/5/2020 (FAO).

Tại Việt Nam, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020 đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại diện hẹp trên tre, luồng, vầu,... tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh với tổng diện tích nhiễm là 69 ha (Điện Biên 59 ha, Cao Bằng 4 ha, Sơn La 4 ha, Quảng Ninh 2 ha); tại 3 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, mật độ cao lên tới 400 - 600 con/m2; cục bộ tại Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2.

Diện tích xuất hiện châu chấu tre lưng vàng ở thời điểm hiện tại (tháng 5/2020) thấp hơn 176 ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các địa phương đều chủ động phòng trừ châu chấu ngay từ khi mới nở nên hiệu quả phòng trừ cao.

Ngay sau khi báo cáo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật đưa châu chấu sa mạc vào đối tượng giám sát đặc biệt, hàng ngày bố trí cán bộ nắm thông tin châu chấu sa mạc lây lan, gây hại trên thế giới thông qua internet, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang tin điện tử chính thức của FAO cập nhật diễn biến các đàn châu chấu ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á.

Rà soát các thuốc dự trữ quốc gia để đề xuất bổ sung thuốc dự trữ dập dịch châu chấu sa mạc (bao gồm cả châu chấu tre lưng vàng) nếu xảy ra dịch trên diện rộng.

Tiếp tục cập nhật kế hoạch phòng chống dịch châu chấu sa mạc theo các thông tin, tài liệu kỹ thuật thu thập được và qua các ý kiến của Bộ Tài chính ngày 22/4/2020 về việc báo cáo tình hình dịch châu chấu sa mạc đang bùng phát tại một số quốc gia và đề xuất kế hoạch ứng phó, công văn ngày 13/4/2020 của Bộ Quốc phòng về việc tham gia ý kiến đối với đề xuất kế hoạch ứng phó của Bộ NN&TNT về tình hình dịch châu chấu sa mạc đang bùng phát tại một số quốc gia.

Trình Thủ tướng kế hoạch ứng phó với châu chấu sa mạc - 3

Dự báo hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020 (FAO).

Kế hoạch ứng phó dịch châu chấu

Đối với châu chấu sa mạc, Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi sát tình hình các đàn châu chấu di cư. Các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc từ FAO và các nước có liên quan trong khu vực để chủ động các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả.

Làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao 2.000 m hoặc hơn, làm việc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về nội dung này để sử dụng radar dân sự sẽ thuận lợi hơn.

Đối với châu chấu tre lưng vàng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục bám sát tình hình phát sinh châu chấu non ở các địa phương để chỉ đạo phòng trừ sớm ngay từ khi châu chấu non mới nở. Từ tháng 6-7/2020, có khả năng châu chấu trưởng thành từ Lào di trú sang Việt Nam gây hại.

Chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương vùng miền núi phía Bắc giám sát châu chấu di cư qua biên giới để phòng trừ sớm ngay khi châu chấu xâm nhập xuống cây trồng nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Nucleo Polyhedrosis virus và nhân nuôi các loài bắt mồi ăn thịt (gà, vịt, chim,…) để quản lý châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Nguyễn Dương