Chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện ở mức cao khiến người dân phản ứng, nên xem xét việc điều chỉnh giá điện 1 năm 2 lần.
Sáng 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam".
Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam do PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế Năng lượng trường Đại học Bách Khoa làm chủ nhiệm đã đưa ra 3 phương án đề xuất về cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện, gồm 3 bậc thang, 4 bậc thang và 5 bậc thang.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện chia 5 bậc thang, bỏ bậc thang 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700kW.
Theo phân tích của ông Bùi Xuân Hồi, việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay. Ngoài ra, 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
Theo Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, hiện giá điện bán lẻ chia 6 bậc thang (từ 0 kWh đến trên 401 kWh).
Góp ý tại hội thảo, GS.VS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam ủng hộ phương án chia giá điện gồm 5 bậc thang.
Ông Long cho rằng, phương án 5 bậc thang như đề xuất là hợp lý, phù hợp với điều kiện tiêu thụ điện của các hộ gia đình Việt Nam.
Ngoài ra vị này cũng cho rằng cần thiết phải thay đổi chu kỳ tính giá điện để sát hơn với những biến động của thị trường.
Theo đó, nếu thay đổi chu kỳ theo 2 mùa, ông Long cho rằng sẽ giải quyết được vấn đề dung hòa được thị trường và việc điều hành mặt hàng thiết yếu của Chính phủ.
Tuy nhiên việc tính toán, điều chỉnh giá ông Long cho rằng phải cân nhắc thời gian phù hợp, tránh tâm lý bức xúc, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Việc thay đổi giá điện định kỳ hiện được nhiều nước áp dụng. Ông Long ví dụ như ở Thái Lan, giá điện được thay đổi theo chu kỳ 3 lần mỗi năm, 4 tháng/lần.
“Cứ đến chu kỳ ấy, EVN báo cáo thay đổi giá, quản lý Nhà nước có thể xem xét thông qua hoặc không thông qua. Tuy nhiên vấn đề này cần được luật hoá rõ ràng”, ông Long nhận định.
PGS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, giá điện là vấn đề lâu nay khiến ông “tâm tư, trăn trở” bởi cứ mỗi lần giá điện tăng là xã hội lại phản ứng.
Theo vị này, cần minh bạch hơn cơ cấu giá điện để xã hội nắm rõ. Đồng thời ông Bình cho biết đồng tình với việc thay đổi chu kỳ tính giá 2 lần mỗi năm.
“Cần thiết luật hoá việc điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh giá điện mỗi năm tiến hành điều chỉnh 2 lần. Chẳng hạn 1/1 tăng 1 lần, đến 1/7 tăng 1 lần. Có thể tăng có thể giảm.
Ngành điện giá thành biến động rất nhiều, tuỳ thuộc năm đó có mưa không. Nếu mưa nhiều, hồ thuỷ điện nhiều nước giá thành thấp thì giảm giá”, ông Bình nói.
Ngược lại, nếu năm nào khô cạn, huy động nhiệt điện nhiều, giá thành tăng thì có thể xem xét điều chỉnh tăng.
“Có tăng, có giảm, cứ để 2 năm 1 lần, rồi mỗi lần tăng tới 10% thì khác gì đâm một nhát dao”, ông Bình nhấn mạnh việc điều chỉnh “mềm” theo chu kỳ hơn việc tăng giá sốc. Vị chuyên gia cũng cho rằng việc đưa ra 5 bậc là phù hợp.
Nguyễn Mạnh