Fica
  1. Thời sự

Toàn cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Những số liệu đáng chú ý

Dưới đây là những số liệu kinh tế nổi bật trong quý III và 9 tháng đầu năm nay. Số liệu có nhiều điểm sáng.

Theo thông tin công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm nay ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Trong báo cáo tháng 8 vừa qua, Moody's Analytics đánh giá rất tích cực đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5% - cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Trước đó, ngày 6/9, Moody's cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, cho thấy triển ổn định. 

Với các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, 9 tháng năm nay vẫn duy trì tăng trưởng ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2022 đạt 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112.700 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với 9 tháng năm 2021. 

(Nguồn: Tổng cục Thống kê). 

Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 52,6% về vận chuyển và tăng 60,4% về luân chuyển. Khách quốc tế đến nước ta 9 tháng đạt hơn 1,87 triệu lượt. 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy rằng mức tăng trưởng tín dụng đạt khá và đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 16/9/2022 giảm 17,1% so với cuối năm 2021.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2018 đến nay.

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. 

Tùng Nguyễn (tổng hợp)