Chiều 6/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND TP. Tại đây, trả lời cử tri những vấn đề liên quan đến dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản, ông Chung có nói: "Sau một thời gian họ xin thử nghiệm, đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép TP mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch,...".
Liên quan đến phát biểu trên của ông Nguyễn Đức Chung, sáng nay (7/12), JEBO đã gửi thông cáo tới các cơ quan báo chí.
Theo đó, JEBO khẳng định nội dung phát biểu của ông Chung là chưa chính xác.
JEBO giải thích: Ngày 11/4/2019, JEBO đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Thủ tướng cho rằng đây là một ý tưởng tốt, phù hợp chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc.
Thủ tướng cũng đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án và tổ chức thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Theo JEBO, ngày 26/4/2019, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, đơn vị này đã tham dự cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chủ trì về việc xem xét việc Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đề nghị tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây.
Tham dự cuộc họp trên có lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Ngoại vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND Thành phố; Ban Quản lý dự án công trình cấp nước thoát nước và môi trường, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
JEBO cho biết thêm, sau khi nghe ý kiến của Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt, ý kiến phát biểu của các đơn vị dự họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng kết luận, chỉ đạo như sau: "Đồng ý cho Đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện thí điểm xử lý làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ của bên Nhật Bản (đơn vị tự nguyện thực hiện thí điểm và tài trợ kinh phí thí điểm)".
Về ngày tiến hành thực hiện thí điểm, văn bản Thông báo 142/TB-VP ngày 9/5/2019 của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ tại nội dung thuộc điểm 2 như sau: “Thống nhất thời điểm triển khai thí điểm, thời gian thực hiện thí điểm (dự kiến bắt đầu từ 16/5/2019)”.
Công văn của UBND TP Hà Nội ngày 9/5/2019.
"Mỗi lần đến Hà Nội của các bạn, nhìn dòng sông Tô Lịch chảy giữa thành phố và những “dòng sông chết” khác bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chúng tôi đã luôn ấp ủ về việc có thể mang công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giúp người dân Hà Nội bớt khổ hơn nhưng có lẽ lòng tốt của chúng tôi đang đặt không đúng chỗ chăng?
Thật lòng mà nói, đến giờ phút này, biết bao công sức, tiền của, thời gian của chuyên gia Nhật Bản chúng tôi vì người dân Hà Nội để thực hiện Dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý sông Tô Lịch này" - JEBO thông tin.
Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.
Ngày 16/5/2019, Hà Nội khởi động thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.
Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đến xem công nghệ xử lý môi trường tại khu thí điểm làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản ở Hồ Tây.
Về kết quả của dự án thí điểm nói trên, Tiến sĩ Tadashi Yamamura chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản, cho biết: Chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần; Nước khu xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.coli giảm 1100 lần; Nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần; Bùn sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm về 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0 cm;...
Nguyễn Dương