Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai).
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tại Quốc hội sáng nay (26/10), đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lo ngại về tình trạng tín dụng đen đã hoành hành ở từng ngóc ngách của bản làng.
"Đồng bào dân tộc với bản chất thật thà, khả năng thích nghi, đề kháng còn hạn chế, trong khi hoàn cảnh túng bẫn nên đã chấp nhận vay. Nhưng đã vay thì không thể cưỡng lại, không có khả năng trả. Với kiểu cách đòi nợ của xã hội đen, buộc họ rơi vào tình cảnh mất tư liệu sản xuất, mất đất, mất nhà, đẩy gia đình vào hoàn cảnh nghèo đói, tan cửa nát nhà, trở thành "hoàn cảnh chị Dậu mới", thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội", ông Vượt nói.
Theo ông Vượt, cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý, cả về hình sự, hành chính, bởi các quy định vừa bất cập, thiếu, không chặt chẽ. Tín dụng đen cũng lộ rõ nhiều bất cập trong xã hội, các tổ chức chính trị xã hội. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt chỉ đạo ngăn chặn tình trạng này.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề khác của nền kinh tế như chi phí logistic, mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp, môi trường kinh doanh...
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra thực trang, trong nhóm 5 cảng biển gồm cảng Long An, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải..., riêng cảng Cái Mép - Thị Vải đã nộp ngân sách 90.000 tỷ đồng trong 5 năm. Tuy nhiên, dù trung ương thu trên 90.000 tỷ nhưng chi đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, khoảng 6%.
"Nghĩa là trung ương bỏ ra 6 tỷ nhưng thu về 100 tỷ. Thêm vào đó, công suất khai thác của cảng này chỉ khoảng 40%, trong khi đây là cảng trung chuyển của khu vực do chi phí logistic cao, kết nối thiếu đồng bộ giữa đường bộ, cảng biển...", ông nói.
Đóng góp ý kiến nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Tuấn cho biết, tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có 2 tuyến cao tốc là Long Thành - Bến Lức và Trung Lương - Long Thành - Dầu Giây, nhưng hiện chưa có cầu kết nối giữa cao tốc với cảng biển phía dưới. Ông đề nghị, xây dựng thêm cầu nối từ cảng lên các tuyến cao tốc, để tăng giá trị khai thác, tạo đồng bộ trong kết nối giao thông.
"Ước tính 3 cây cầu nối vào 2 tuyến cao tốc trên khoảng 15.000 tỷ đồng nhưng sẽ thu về khoảng 24.000 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, tăng công suất khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải lên gấp đôi hiện nay, khoảng 80%. Một năm chúng ta thu về từ dầu thô, khoáng sản đạt 45.000 tỷ, nhưng ở đây chỉ bỏ 15.000 tỷ đồng mà thu về 24.000 tỷ, tỷ suất thu rất lớn", ông nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề xuất Chính phủ nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố.
Ông dẫn ví dụ, nhìn sang các nước láng giềng, nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 nước ta chỉ có 44 đơn vị hành chính tỉnh, thành. Thực tế, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội, Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.
"Tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. Nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh, vậy con đâu chi cho đầu tư phát triển”, ông Hạ băn khoăn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến muốn Chính phủ giải trình rõ: "Động lực tăng trưởng GDP 2018 do đâu? Ngân sách thu năm 2018 ước vượt 3% dự án, nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính, vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?”.
Đại biểu này cũng cho rằng cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản.
"Vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện. Với đà này mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp có đạt được?", ông lo ngại.
Phương Dung