Fica
  1. Thời sự

Thương mại điện tử càng phát triển: Mối lo về chất lượng hàng hóa càng gia tăng

Thế Hưng
Thế Hưng

Covid-19 đã khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm, và sàn thương mại điện tử trở thành “cứu cánh” cho nhiều DN khi vướng phải rào cản dịch bệnh. Tuy nhiên, đáng quan ngại ở chỗ, càng ngày xuất hiện càng nhiều hàng giả, hàng nhái trên các kênh mua sắm trực tuyến và gia tăng số người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm tại kênh này.

Tăng mạnh giao dịch online

Thay vì lựa chọn mua sắm trên kênh truyền thống, nhiều người tiêu dùng cho biết, đã chuyển sang kênh mua hàng trực tuyến để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chị Đinh Thị Thu Hường (Vũ Tông Phan, Khương Trung, Hà Nội) cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hơn một năm qua, chị hạn chế đến các siêu thị mua sắm để tránh tiếp xúc đông người. “Nếu như trước đây, một tuần tôi đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, hay các siêu thị lớn 1 lần, thì bây giờ thói quen đó đã chuyển thành cú “click chuột” trên máy tính, trên các smart phone” – chị Hường cho biết. Theo chia sẻ của chị Hường cũng như các bà nội trợ, hiện nay trên các sàn thương mại điện tử (TNĐT) có hầu hết các sản phẩm họ cần tìm, từ đồ gia dụng, quần áo, thời trang, giày dép cho đến các loại thực phẩm, hoa quả, trái cây, đồ ăn, thức uống...

Hàng loạt các vụ việc hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bị phanh phui

“Giống như đi ra chợ đầu mối, giờ trên các chợ online cũng không thiếu thứ gì. Mua sắm ở trên mạng rất tiện lợi, hàng giao về tận nơi, không mất công đi lại, tiếp xúc trực tiếp chỗ đông người, do đó hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” – bà Trần Thanh Tâm (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ  khi được hỏi về việc thay đổi thói quen mua sắm.

Có thể thấy, cùng với xu hướng phát triển chung của xã hội, công nghệ tiên tiến ngày càng trở nên phổ biến thì việc lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến cũng là điều tất yếu. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều DN, thương nhân, hộ kinh doanh nhỏ đã chuyển hướng sang lựa chọn TMĐT làm kênh giao dịch thương mại. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Trường, chủ một cửa hàng ăn uống trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), từ ngày xuất hiện dịch bệnh, việc giãn cách xã hội được thực hiện gắt gao, cửa hàng của anh không có khách tìm đến nữa, nguy cơ phải đóng cửa là rất lớn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, thấy nhiều người chuyển sang bán hàng online, anh Trường cũng đã rao bán hàng trên các trang mạng xã hội, từ đó hàng ăn vẫn được tiêu thụ hàng ngày, doanh thu vẫn khá ổn định.

Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD. Bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã và đang trở thành những lựa chọn tối ưu cho các DN, thương nhân cũng như người tiêu dùng.

Mặt trái của TMĐT

Thực tế cho thấy những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho cả người mua cũng như người bán trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, mặt trái của thương mại điện tử cũng không ít. Nhiều chuyên gia cho biết, thời gian qua, đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi, vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái “lấn sân” từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh trực tuyến đang làm đau đầu nhà quản lý.

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho biết, có đến  72% người tiêu dùng phàn  nàn về những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Con số này thực sự đáng quan ngại, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng ngày càng mai một đối với kênh bán hàng trực tuyến.

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng TMĐT để bán hàng giả, hang nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Việc người mua đặt hàng một đằng, nhưng hàng đến tay lại... đi một nẻo đã không còn là chuyện hiếm. Chất lượng sản phẩm không đúng với quảng cáo và hơn thế, cả những vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu và tài khoản ngân hàng... đã khiến người tiêu dùng ngày càng trở nên thận trọng với việc mua sắm trực tuyến.

Nhiều vụ việc buôn bán hàng giả, kém chất lượng trên các kênh bán hàng online đã được nhà chức trách phanh phui, xử lý trong thời gian gần đây cho thấy những lỗ hổng, hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội, trang TMĐT cũng như rủi ro của người tiêu dùng khi giao dịch thông qua hình thức này. 

Nói về TMĐT, ông  Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cũng nêu thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT những năm gần đây đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động TMĐT cũng như đối với công tác thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Trong quá trình điều tra, xử lý các vụ vi phạm trên sàn thương mại điện tử, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, việc bắt giữ và xử lý gặp nhiều khó khăn do việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch trên môi trường ảo không đơn giản: Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng… nên gây nhiều trở ngại cho cơ quan chức năng. 

Đơn cử, một cán bộ quản lý thị trường cho biết, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra rồi có thể đóng lại một cách chớp nhoáng nên rất khó kiểm soát. Thậm chí, nhiều đối tượng còn thực hiện hành vi lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn… Đây là những lý do cho thấy môi trường kinh doanh “ảo” khó kiểm soát hơn môi trường truyền thống rất nhiều. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho TMĐT lại chưa hoàn t hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng tràn lan trên các kênh bán hàng online khiến cho không chỉ người tiêu dùng suy giảm niềm tin mà uy tín của các DN làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, vị này cho rằng, rất cần có sự hoàn thiện pháp luật về TMĐT cũng như đưa ra những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả hơn loại hình kinh doanh này. Theo vị này, việc quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình TMĐT khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi.

Thế Hưng