Đó là khẳng định của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 diễn ra hôm nay (17/4) tại Hà Nội.
Cũng theo ông Phú, vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 chính là nhờ đóng góp của Chương trình THQG và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Chương trình THQG đã góp phần tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.
Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019
“Sau 16 năm triển khai, đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh và gia tăng giá trị cho sản phẩm”, ông Phú cho biết thêm.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) được triển khai thực hiện từ năm 2003 với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thông qua Chương trình, nhiều Tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt THQG tăng đều qua các thời kỳ. Nếu như năm 2008 mới chỉ có 30 doanh nghiệp đạt THQG thì đến 2018 đã có 97 doanh nghiệp được công nhận danh hiệu này.
Có mặt tại diễn đàn, ông Antonino Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội cho rằng, chiến lược xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia. Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu lớn nhưng vẫn có đến 47% kim ngạch đến từ khu vực FDI.
Chia sẻ của các chuyên gia
Vì thế, để tận dụng được những lợi thế của thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, ông Antonino Tedesco cho rằng, cần kết hợp xây dựng nhãn hiệu thương mại sản phẩm với thương hiệu quốc gia, tận dụng được nhãn hiệu của sản phẩm sản xuất trong nước.
“Chương trình THQG tới đây nên giới thiệu thêm giá trị tập thể, nhãn hàng tập thể của thương hiệu Việt Nam. Cách làm này sẽ đưa mặt hàng của Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cần có sự ưu tiên mặt hàng và thị trường trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, đồng thời gìn giữ và bảo vệ thành quả từ xúc tiến, quảng bá thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh việc sản phẩm bị làm giả làm nhái trên thị trường”, ông Antonino Tedesco khuyến cáo.
Doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng thương hiệu?
Là một trong những DN vinh dự được nhận giải thưởng Thương hiệu quốc gia, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 đã có những chia sẻ nhiều rất thiết thực về thương hiệu của DN và thương hiệu của một quốc gia.
Theo đó, đại diện May 10 cho rằng: “Chính phủ nên có chương trình đưa cộng đồng DN được giải thưởng thương hiệu quốc gia lên 1 tầm mới, bằng những chính sách hỗ trợ cần thiết như hỗ trợ về thuế, kinh doanh hoặc xây dựng, phát triển thương hiệu. Nhất là phát triển thương hiệu ra nước ngoài, vì hiện nay việc đăng ký thương hiệu ra nước ngoài thì chi phí phải bỏ ra rất lớn.”
“Đặc biệt, cũng nên có chính sách bảo vệ các thương hiệu quốc gia. Bởi xây dựng được một thương hiệu là cả 1 quá trình, cả 1 sự nỗ lực, cống hiến của các DN. Nếu không có chính sách bảo hộ tốt thì hàng giả, hàng nhái sử dụng giả thương hiệu sẽ làm ảnh hưởng tới không chỉ DN mà còn ảnh hưởng tới quốc gia”, ông Việt nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Việt, nhiều người cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là khó. Điều này hoàn toàn đúng, vì để có 1 thương hiệu đã khó, mà thương hiệu uy tín hay thương hiệu quốc gia thì càng khó hơn.
“Tuy nhiên, nguyên lý xây dựng thương hiệu suy cho cùng cũng chỉ là một cái tên. Nhưng quan trọng, mở rộng cái tên đó phải hàm chứa chất xám về thiết kế, chất xám về những cái kết tinh trong sản phẩm thì nó mới làm nên thương hiệu, đặc biệt là những DN sản xuất”, ông Việt chia sẻ.
Thương hiệu May 10 được xây dựng lên nhờ 3 yếu tố. Mà trong đó, yếu tố đầu tiên theo ông Việt là do chất lượng sản phẩm, rồi mới đến tính thời trang phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Cuối cùng, khi có chất lượng, có thị hiếu nhưng giá cả cũng phải phù hợp với người tiêu dùng.
“Bởi nếu không nghiên cứu kĩ, thì người tiêu dùng hoặc là sẽ không đủ tiền để chi, hoặc là ở mức giá đó họ sẽ chọn thương hiệu khác”, vị này cho biết thêm.
Còn với các DN khác, thì ông Việt cho rằng, muốn xây dựng được thương hiệu thì cần phải do tư duy của người đứng đầu. Người đứng đầu có ý thức tốt thì sẽ có chiến lược, mục tiêu kinh doanh và đưa ra hành động cụ thể.
Thế Hưng