Hàng hóa trong phòng trọ sinh viên khu vực ngoại thành.
Ngày 19/3, Đội quản lý thị trường số 1 - Cục quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội do ông T.Đ.T làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông T đang chứa trữ gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn rời (trong đó một số đã được dán nhãn và một số chưa dán nhãn).
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông T khai nhận toàn bộ số hàng hóa tại hiện trường được mua trôi nổi thông qua mạng xã hội facebook. Tất cả đều không có tem, nhãn. Sau khi nhận hàng, cơ sở tiến hành dán tem và bán ra ngoài thị trường.
Đặc biệt, cơ sở không bày bán theo hình thức truyền thống thông thường bằng cửa hàng mà thuê phòng trọ giá rẻ gần khu sinh viên hay thuê trọ giáp với đất nông nghiệp khu vực ngoại thành. Lợi dụng diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 và tâm lý của người tiêu dùng muốn mua hàng online nhằm hạn chế tiếp xúc, cơ sở đã sử dùng tài khoản mạng xã hội facebook để giao dịch.
Toàn bộ số hàng đã được đoàn kiểm tra niêm phong, tạm giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
Thời gian gần đây, cơ quan quản lý thị trường liên tục phát hiện những vụ kinh doanh online với lượng lớn hàng hóa là không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mới đây nhất, cơ quan chức năng cũng đã triệt phá kho tàng trữ hàng hóa giả thương hiệu Hermès, LV, Chanel… tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định với quy mô rất lớn.
Lực lượng quản lý thị trường phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm tại kho hàng này. Vài chục nghìn sản phẩm nhái thương hiệu Hermès đã bị thu giữ. Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua và sử dụng các sản phẩm ở những địa chỉ uy tín, hàng hóa rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.
Nguyễn Khánh