Fica
  1. Thời sự

Thực quyền của “Siêu uỷ ban” đến đâu khi tiếp nhận quản lý 19 “ông lớn” Nhà nước?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Năm 2018, 19 doanh nghiệp lớn đã mang về hơn 1,3 triệu tỷ đồng doanh thu nhưng cũng “gánh” hơn 1,3 triệu tỷ đồng nợ phải trả. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi tiếp nhận đã được giao nhiều trọng trách và quyền hạn, nhưng sau gần nửa năm bắt đầu lộ ra hàng loạt vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Theo một báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gần đây về tình hình 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà Uỷ ban này đã tiếp nhận từ 5 Bộ thì việc bàn giao đã được thực hiện theo nguyên tắc “bàn giao nguyên trạng”.

Báo cáo cho biết, trong năm 2018, ước tính tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017. Trong đó có 17 tập đoàn, tổng công ty đạt kết quả cao hơn năm 2017 và 4 tổng công ty đi “giật lùi” là MobiFone, Vinataba, VEC và Vinafor.

Trong năm vừa rồi cũng có một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu tăng mạnh, có thể kể đến Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1 – tăng 225%); SCIC (tăng 40%), ACV (tăng 70%), TKV (tăng 23%) và Petrolimex (tăng 23%).

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty này đạt 116.514 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018, trong đó một số đơn vị tăng lãi mạnh như TKV tăng 49,5%, ACV tăng 45% và SCIC tăng 41%.

Tuy nhiên, nợ phải trả của 19 tập đoàn, tổng công ty này trong năm 2018 cũng lên đến trên 1,3 triệu tỷ đồng. Ủy ban đánh giá, về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty đều có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trong mức quy định là dưới 3 lần, chỉ có Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cao hơn mức quy định khi có số nợ trên vốn chủ sở hữu cao gấp gần 9 lần.

Thực quyền của “Siêu uỷ ban” đến đâu khi tiếp nhận quản lý 19 “ông lớn” Nhà nước? - 1

Thực tế quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty đã đặt ra những thách thức lớn cho "siêu uỷ ban" vì các bật cập liên quan tới chính sách, quyền hạn

Báo cáo của Uỷ ban cho biết, qua gần 5 tháng tiếp nhận và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, bước đầu đã nhận thấy một số vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu… tại 19 tập đoàn, tổng công ty này.

Chẳng hạn, theo các quy định, với các dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, việc thẩm định về thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ do các Bộ quản lý ngành thực hiện, thẩm định tổng thể về dự án do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế phối hợp giữa các Bộ quản lý ngành và Uỷ ban chưa được quy định cụ thể nên dẫn đến làm chậm quá trình thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cả Luật Đầu tư và Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đều không có quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong vấn đề đầu tư công, kể từ 2019, Uỷ ban tiếp nhận kế hoạch, chương trình, dự án của doanh nghiệp nằm trong kế hoạch trung hạn và hàng năm giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, Uỷ ban cho biết, vẫn còn một số dự án do tập đoàn, tổng công ty quản lý hoặc được Nhà nước giao thực hiện vẫn đang giao cho các Bộ quản lý và tổ chức thực hiện tư tại VEC, ACV… vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, tại văn bản này, Uỷ ban đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 từ các Bộ quản lý ngành về Uỷ ban (hoặc giao trực tiếp cho các tập đoàn, tổng công ty).

Uỷ ban cũng đề nghị, đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Uỷ ban, cần làm rõ khái niệm về thẩm quyền quản lý. Nguyên nhân là hiện nay các doanh nghiệp vừa chịu sự quản lý về ngành của các Bộ quản lý nhà nước về ngành kinh tế - kỹ thuật lại vừa chịu sự quản lý về vốn của Uỷ ban để làm căn cứ xác định trách nhiệm phê duyệt dự án sử dụng vốn ODA tại các doanh nghiệp.

Một nội dung quan trọng khác, Uỷ ban cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định 131 năm 2018 của Chính phủ đều có các quy định về việc cơ quan đại diện chủ sở hữu và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền, trách nhiệm trong việc thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thế nhưng hiện nay, Luật Thanh tra và Nghị định 86 năm 2011 lại chưa quy định cụ thể về nhiệm vụ và cơ chế thực hiện công tác thanh tra về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Uỷ ban cũng đang lúng túng trong vấn đề tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm, cán bộ quản lý; sắp xếp đối với công ty nông, lâm nghiệp…

Mai Chi