Fica
  1. Thời sự

Thừa năng lượng tái tạo: Đâu là nguyên nhân?

Thế Hưng
Thế Hưng

Đặt câu hỏi tại sao để xảy ra tình trạng các dự án năng lượng tái tạo ồ ạt phát triển thời gian qua, dẫn đến phải cắt giảm công suất, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận rõ trách nhiệm của những người liên quan để xảy ra thực trạng này, vừa lãng phí, vừa gây nhiều bất cập cho ngành điện.

Cắt giảm hơn 440 tỷ kwh năng lượng tái tạo 4 tháng đầu năm

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2019 trở lại đây, nguồn năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh và mạnh, bổ sung vào hệ thống điện quốc gia một sản lượng không nhỏ. Song, do đặc thù các nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, lượng gió, nắng... nên vẫn cần phải sử dụng các nguồn điện truyền thống trong các giờ cao điểm. Chính bởi vậy, không tránh khỏi tình trạng phải cắt giảm công suất các nguồn năng lượng tái tạo thời gian qua.

Tại buổi đối thoại của ngành điện về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia chiều ngày 4/5 vừa qua, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, trong năm 2020 vừa qua, đã khai thác được 12 tỷ kWh năng lượng tái tạo, so với kế hoạch ban đầu là 10 tỷ kWh, đã vượt 2 tỷ kWh.

 

Và trong năm 2021 này, EVN dự kiến sẽ khai thác khoảng 32 tỷ kWh nguồn năng lượng tái tạo, con số này gấp gần 3 lần so với năm 2020. Theo ông Ninh, mặc dù nguồn phát từ năng lượng tái tạo (NLTT) cao như vậy, chiếm tỷ trọng công suất trên 30%, nhưng sản lượng điện phát chỉ chiếm 12% tổng sản lượng. Trong tổng công suất nguồn, nhiệt điện than vẫn chiếm tới 40%. “Và việc cung cấp điện các năm tới vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống”, ông Ninh cho hay.

Nói về sự phát triển của loại hình năng lượng tái tạo từ năm 2019 đến hết 2020, ông Ninh nhấn mạnh, có sự bùng nổ năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió kéo theo hiều bất cập trong vận hành hệ thống điện.

Ông Ninh nêu lên con số, thống kê lũy kế 4 tháng đầu năm, lượng điện năng lượng mặt trời, áp mái đã bị cắt giảm khoảng 447,5 triệu kWh, chiếm 13,3%. Dự kiến cả năm 2021 sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh, chiếm 9% tổng sản lượng năng lượng tái tạo. “Hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo đóng góp lên tới 60% phụ tải đỉnh vào khung giờ trưa và được ưu tiên huy động tối đa. A0 gần như phải dừng mua từ các thủy điện vào khoảng thời gian trưa. Các thủy điện ở miền Trung và miền Nam, với gần 8.000 MW, cũng phải dừng hoạt động để ưu tiên mua điện năng lượng tái tạo” – ông Ninh nói.

Dù sản lượng năng lượng tái tạo phát triển mạnh như vậy, song  do tính chất bất định của năng lượng tái tạo vì phải phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, nên các tổ máy điện truyền thống như than, khí, dầu phải điều chỉnh rất nhiều gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Theo Giám đốc A0, với một dự án điện than, khí dầu, mỗi lần tắt máy và khởi động lại, chi phí lên tới cả chục tỷ đồng. “Năm 2020 có 142 lần tắt, khởi động các tổ máy điện truyền thống gây ra rất nhiều câu hỏi về chế độ vận hành của các chủ đầu tư dự án” – đại diện A0 cho biết.

Bùng nổ do thiếu kiểm soát?

Không phủ nhận sự tham gia của các dự án năng lượng tái tạo đã bổ sung một sản lượng điện không nhỏ vào nguồn cung điện, góp phần giảm thiểu nguy cơ thiếu điện. Trước đó, nhà quản lý cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển quá nhanh, quá nóng của các dự án năng lượng tái tạo đã dẫn đến những bất cập trong hoạt động của hệ thống điện. Điều này cũng được các chuyên gia đặt câu hỏi: Nhà đầu tư hưởng lợi gì khi ồ ạt đổ vốn vào các dự án năng lượng tái tạo trong khi biết rõ, hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng được hết lượng công suất phát ra từ các dự án này.  TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào xây dựng các dự án điện nhưng họ biết rõ là hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, vậy đâu là động lực để họ đổ tiền vào? Rõ ràng chỉ có lợi nhuận mới có thể khiến họ đổ tiền vào NLTT thời gian qua. “Chúng ta đang để tình trạng quá tải NLTT, nhưng chưa thấy nhắc đến trách nhiệm ở đây” – ông Doanh nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian qua, có tình trạng các chủ đầu tư lao vào xây dựng các dự án NLTT để tranh thủ ưu đãi của Chính phủ, nhưng sau đó bán đi cũng rất nhanh, thậm chí bán cả giấy phép để lấy chênh lệch. Như vậy có thể đảm bảo được độ tin cậy của các nhà đầu tư?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Ban Pháp chế (EVN) cho biết, theo quy định, cấp phép đầu tư các dự án NLTT do UBND cấp tỉnh cấp. EVN chỉ là bên mua chỉ được tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng mua bán điện, về giá...

Hiện tượng chuyển nhượng lại dự án như dư luận nêu, theo EVN nắm được, chỉ là chuyển nhượng cổ phần, bán bớt phần vốn chứ không phải là chuyển nhượng cả dự án. Bản chất ở đây là chuyển nhượng cổ phần trong dự án. Nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực thực hiện dự án trong khoảng thời gian bao lâu. Khi cấp phép cho dự án, UBND cấp tỉnh đều có quy định cũng như yêu cầu thực hiện trong thời gian ít nhất 20 năm. ", ông Khoa cho biết đồng thời khẳng định rằng, EVN với tư cách là người mua khó có khả năng kiểm soát được việc chuyển nhượng này giữa các cổ đông.

Nhận định về thực trạng phát triển các dự án NLTT thời gian qua, PGS.TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực cho rằng, nếu quy hoạch tốt thì sẽ không có hiện tượng bùng nổ năng lượng tái tạo. Để xảy ra tình trạng bùng nổ chỉ khi thiếu kiểm soát. Theo ông Long, cần phải làm rõ vai trò của nhà quản lý trong việc phê duyệt các dự án NLTT, tại sao hầu như không lấy ý kiến của bên vận hành? “Họ không hỏi ý kiến xem nếu tại địa phương này xây dựng thêm  bao nhiêu dự án thì có gây vấn đề gì về lưới điện hay không, nếu hỏi bên Trung tâm điều độ điện quốc gia, chắc chắn sẽ có câu trả lời thích đáng và không dẫn đến thực trạng quá tải như thời gian qua” – ông Long nêu quan điểm.

Thế Hưng