Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 diễn ra sáng nay (1/8) tại Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra một số thông tin vui về nền kinh tế Việt Nam giữa bối cảnh kinh tế thế giới có rất nhiều biến động bởi các cuộc chiến tranh thương mại đan xen.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 tại Hà Nội
Cụ thể, Thủ tướng cho biết, thông tin mà Chính phủ mới nhận được trong sáng 1/8 là chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III/2019.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, WB là 6,6%, HSBC là 6,7%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở ASEAN. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.
Thủ tướng nêu bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%...
Tuy nhiên, tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu thảo luận về các tồn tại, hạn chế, yếu kém để sớm khắc phục, đưa ra các biện pháp, đối sách cụ thể.
Cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, Thủ tướng nhấn mạnh, “cần thúc đẩy giải quyết vấn đề này”.
Người đứng đầu Chính phủ nêu: Vừa qua, một số bộ trưởng như Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này và Thủ tướng đã có quyết sách xử lý một số công trình. Ví dụ như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ quyết tâm dồn sức để lo làm xong con đường này.
“Chúng ta đã hứa với đồng bào Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng nhiều năm chưa làm được”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Cuối năm 2020 cơ bản thông xe và khánh thành tuyến cao tốc này vào năm 2021.
An Linh