Chiều qua (8/11), chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề cập tới việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, trong khi đó Việt Nam có rất ít doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.
“Thủ tướng còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ. Thủ tướng dự kiến sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên?” - đại biểu Tô Văn Tám chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Câu hỏi của đại biểu đoàn Kon Tum tại nghị trường Quốc hội khiến nhiều người bất ngờ và cảm thấy thú vị. Đây cũng là đại biểu duy nhất trong 3 ngày chất vấn vừa qua thẳng thắn nói về thời gian tại nhiệm của Thủ tướng và những việc người đứng đầu Chính phủ cần làm trong hơn 1 năm tới.
Trả lời chất vấn đại biểu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: Mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua của Việt Nam đã đạt được kết quả nhưng vẫn còn chậm. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh doanh nghiệp vfa sản phẩm còn yếu so với các nước phát triển.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng ý với ý kiến Việt Nam còn ít doanh nghiệp lớn có khả năng quốc tế cao như những tập đoàn lớn của một số nước phát triển.
“Anh đề nghị cho biết hết nhiệm kỳ Thủ tướng có đột phá gì để cải thiện thực trạng này?” - Thủ tướng nhắc lại câu hỏi của đại biểu và đáp lời: “Trước hết, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chứng tỏ nguồn tăng trưởng tốt hơn nữa, điều này là nền tảng cho sự phát triển”.
Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải làm tốt ba khâu: “Một là thể chế pháp luật, hai là nguồn nhân lực và đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao”.
Theo Thủ tướng, đây là ba khâu “điểm nghẽn” của đất nước. Đại hội XI đã xác định hạ tầng, nhân lực và thể chế. “Muốn tái cơ cấu thành công phải đẩy mạnh ba khâu này.” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
Cũng theo Thủ tướng, việc cần phải làm nữa là tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, tái cơ cấu. Trong đó, Nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường. “Nhà nước can thiệp thị trường bằng công cụ kinh tế, không bao cấp cho sự yếu kém, không bao cấp tràn lan. Với những khó khăn này, chúng ta phải bao cấp là sai lầm.” - Thủ tướng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết Nhà nước phải có biện pháp mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu. Tái cơ cấu phải diễn ra nhanh hơn một số lĩnh vực đã xác định như doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và nhất là tái cơ cấu các ngành kinh tế, các doanh nghiệp.
“Tôi thấy rất nhiều địa phương của chúng ta tái cơ cấu ngành rất tốt. Có thể nêu rất nhiều tỉnh như Đồng Tháp tái cơ cấu thực sự, ở tỉnh miền núi Sơn La nhiều nơi tái cơ cấu rất thành công. Không ngờ Sơn La có một vùng trái cây lớn như thế trong thời gian mới đây và không ngờ Đồng Tháp đã có những chủ trương phát triển về chuỗi nông sản hiện đại.” - Thủ tướng dẫn chứng về kết quả điển hình trong tái cơ cấu kinh tế.
Kết thúc phần trả lời chất vấn này, người đứng đầu Chính phủ chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ bày tỏ: “Tôi rất cảm ơn đại biểu Quốc hội đã có câu hỏi chất vấn Thủ tướng hôm nay!”.
Châu Như Quỳnh