Fica
  1. Thời sự

Thủ tướng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước "cú sốc" Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ chiều 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại chủ trương cách ly trong xã hội và nhấn mạnh đây không phải là chuyện “ngăn sông, cấm chợ”, không phải ngăn cấm giao thông, không phải hạn chế sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng mà quan trọng là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động.

Dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020. Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.

Thủ tướng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước cú sốc Covid-19 - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ chiều 1/4 (ảnh: VGP)

Thủ tướng cho biết các nước hiện triển khai 3 chính sách chủ yếu, đó là: Thứ nhất, nới lỏng tiền tệ, thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ. Việc này Việt Nam cũng đã thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị 11, nhưng gói hỗ trợ này không chỉ 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.

Thứ hai, kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công. Gói này không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

Thứ ba, hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.

“Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cho nên, về vấn đề kinh tế, muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân” - Thủ tướng nêu rõ. 

Định hướng một số nhiệm vụ tới, Thủ tướng nêu rõ nhất quán tinh thần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chú trọng giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đề ra, sớm có kịch bản điều hành không để bị động. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu. Đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19.

Thủ tướng nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch Covid-19.

Về nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian dịch bệnh, an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu. Xuất khẩu lương thực phải có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm trong nước không thiếu lương thực, đồng thời giải quyết vấn đề giá cả cho người nông dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", những hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.

Về việc hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng.

Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng tới và phải đúng nguyên tắc hỗ trợ.

Châu Như Quỳnh

Tin liên quan