Fica
  1. Thời sự

Thủ tướng giao một loạt nhiệm vụ quan trọng cho Bộ Tài chính

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành tài chính trong năm 2023 sẽ nặng nề, phải xây dựng phương án đưa ra giải pháp thực hiện để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nợ công...

Chiều 19/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành tài chính. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 và các vấn đề về tình hình chính trị thế giới, khu vực; vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, độ mở của nền kinh tế lớn nên sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế có hạn. Vì vậy, chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng có thể gây tác động ngay đến nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, trong điều kiện khó khăn đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vẫn hoàn thành, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 3%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 700 tỷ USD... 

Thủ tướng khẳng định những kết quả trên có đóng góp quan trọng của ngành tài chính. "Trong quá trình điều hành đôi khi không tránh được những vấn đề phát sinh, điều quan trọng là phải vượt qua để tiếp tục phát triển. Chúng ta phải bình tĩnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát huy tối đa những kết quả đã làm được, những gì chưa làm được thì phải nhìn nhận một cách khách quan để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu (Ảnh: BTC).

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài chính cần nghiên cứu bài học rút ra là phải đoàn kết, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, làm sao để phân phối nguồn lực phù hợp, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Theo dõi sát, phân tích kỹ tình hình để từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành tài chính để giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính và giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tránh làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Nắm chắc tình hình để hoàn thiện, thay đổi chính sách cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Nhận định về tình hình kinh tế xã hội năm 2023, Thủ tướng cho biết hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn, bên cạnh đó là tác động bởi cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, địa chính trị còn phức tạp, khó lường. Từ đó kéo theo một loạt vấn đề về năng lượng, lương thực, an ninh thông tin… tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội như lãi suất tăng, lạm phát tăng, thị trường bị thu hẹp, nhu cầu lao động giảm. Khi tình hình có biến động lớn thì nội tại của nền kinh tế sẽ bộc lộ rất rõ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. 

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho ngành tài chính trong năm tới sẽ rất nặng nề, toàn ngành phải tập trung nghiên cứu, xây dựng phương án đưa ra giải pháp thực hiện để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nợ công; tăng chi cho đầu tư phát triển, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực để đầu tư cho hợp lý; theo dõi, kiểm soát giá cả thị trường, nhất là dịp Tết nguyên đán để ổn định giá cả, giúp cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính cần phải tổ chức điều hành quản lý thu ngân sách nhà nước sao cho đúng, đủ, kịp thời và tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ thuế. Đồng thời, điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tiếp tục giảm chi thường xuyên, kiểm soát bội chi, đảm bảo nguồn chi cho cho các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, kịp thời khắc phục những hạn chế của thị trường, xây dựng công cụ quản lý thật tốt để đưa thị trường phát triển lành mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục có chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công an việc làm cho người dân, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Thảo Thu