Đây là lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4 để xem xét, quyết định biện pháp mới chống dịch Covid-19 khi hôm nay là hạn cuối áp dụng lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với các tỉnh thành trong nhóm “nguy cơ cao”.
Thủ tướng lưu ý, nới lỏng cách ly xã hội không có nghĩa đêm nay là dịp đổ ra đường ăn mừng.
Dừng thực hiện cách ly xã hội
Theo kết luận của Thủ tướng, từ ngày mai, 28 tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch Covid-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đề cập đến những kết quả đáng mừng Việt Nam đã thực hiện được trong việc phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4. Tuy nhiên, ông lưu ý vẫn phải cảnh giác, chấp nhận một tình trạng là sống trong trạng thái có dịch vì nếu nguy cơ dịch trên thế giới thì Việt Nam cũng không thể thoát khỏi.
“Vì vậy, tinh thần là sống chung với dịch và có kiểm soát” - Thủ tướng nói.
Với việc không đánh giá Hà Nội là thành phố có “nguy cơ cao”, Thủ tướng cũng quyết định không áp dụng biện pháp tương ứng là cách ly xã hội thêm 1 tuần như đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với toàn thành phố Hà Nội.
Các biện pháp chống dịch gắt gao theo Chỉ thị 16 chỉ tiếp tục áp dụng với những khu vực được “nguy cơ cao” ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác như huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định việc mở cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, lãnh đạo địa phương phải xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp nhưng lưu ý với những nơi “nguy cơ cao”, không được kinh doanh trên đường phố.
“Nới lỏng cách ly xã hội nhưng không được coi 23h đêm nay là dịp đổ ra đường ăn mừng. Nới lỏng nhưng vẫn khuyến cáo nâng cao trách nhiệm người dân trong phòng, chống dịch”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng nhận định, dịp này, nhiều người, đặc biệt giới trẻ dễ cảm thấy bí bách, đổ ra đường nên yêu cầu công an và các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát chặt các hoạt động như đua xe, tập trung nhậu nhẹt đông người, sự kiện thể thao đông người; khuyến cáo người dân vui mừng nhưng phải có cảnh giác…
Đặc biệt, một số hoạt động vẫn được yêu cầu cấm hoàn toàn như: các lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, massage, tiệm trang điểm, tiệm hoa, sở thú...
Với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đông người phải có giãn cách; chưa đồng ý cho nhập cảnh tự do; chưa chấp nhận đón khách du lịch nước ngoài.
Chấp nhận trạng thái sống bình thường mới
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, đến thời điểm này, cần xác định phải sống chung với dịch Covid-19 một cách lâu dài, khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị có hiệu quả, cần chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.
Yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại.
Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Chấp nhận trạng thái bình thường mới, tình trạng sống trong trạng thái có dịch nhưng theo Thủ tướng, một số yêu cầu vẫn bắt buộc như đeo khẩu trang trong hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông công cộng.
Cùng với đó, cần thường xuyên rửa tay sát khuẩn, kể cả sát khuẩn phương tiện, công cụ hay vị trí mà virus có thể xâm nhập; quy định khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên như sản xuất kinh doanh, lớp học, nhà hàng.
Thủ tướng tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, hạn chế tập trung đông người.
Phương Thảo