Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải quyết vốn cho tuyến metro số 1
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương diễn ra chiều 12/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xin Trung ương ứng cho thành phố 2.158,5 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Trung ương cho TPHCM ứng 2.158,5 tỷ đồng trả tiền thi công cho nhà thầu tuyến metro số 1
Theo ông Phong, UBND TP sẽ thực hiện thủ tục trả tạm ứng ngay sau khi Bố Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho dự án. Trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng được kiến nghị Thủ tướng cho thành phố được tạm ứng từ ngân sách thành phố.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng việc TP xin tạm ứng ngân sách làm metro là phù hợp, nếu không ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng TP xin ứng hơn 2.100 tỷ đồng là phù hợp
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng có 2 lý do chưa giao vốn cho thành phố được. Thứ nhất là chưa hoàn chỉnh pháp lý điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Hiện đang lấy ý kiến ở các bộ, sau đó trình Thủ tướng. Thứ hai, Bộ Tài chính và UBND TP cần thống nhất lại cơ chế cho vay lại, cấp phát vốn ODA. Theo Luật Ngân sách và Đầu tư công thì chưa giải quyết được.
Theo ông Dũng, nếu ứng từ ngân sách Trung ương thì chỉ còn 800 tỷ đồng và có thể giao ngay. “Còn số thiếu đề nghị TP cho tạm ứng, việc này thuộc thẩm quyền TP, sau này Trung ương giao vốn thì trả lại cho ngân sách TP”, ông Dũng nói.
Không hài lòng với tình hình cấp vốn cho metro 1, Thủ tướng bức xúc: “Chủ trương là giao cho thành phố rồi, có điều gì để mà còn chậm trễ không giao vốn được. Các bộ cứ nói qua nói lại với nhau thì làm sao được? Bực mình là ở chỗ đó. Tôi đề nghị các đồng chí phải thấy trách nhiệm của mình”, ông Phúc nói.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết do chưa hoàn thành điều chỉnh tổng mức đầu tư nên chưa giao vốn cho TPHCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hôm nay xuống công trường là để cho nhà thầu, phía Nhật Bản thấy quyết tâm của Chính phủ, TP.HCM là làm tuyến metro số 1 chứ không dừng lại, vì dự án đã dừng nhiều lần rồi.
“Trong khi kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, phải cần một dự án metro để san sẻ. Đây là một nhu cầu rất thiết thực mà chúng ta cứ nói qua nói lại với nhau. Bệnh quan liêu giấy tờ này làm khổ sở cho dân.”, Thủ tướng gay gắt.
Về việc đảm bảo nguồn vốn cho tuyến metro số 1, các bộ, ngành cũng trao đổi ý kiến khá nhiều. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu vấn đề nào là trách nhiệm của Trung ương đối với nhu cầu của người dân thành phố. Đây cũng là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của nước ta, do đó, Thủ tướng đề nghị trong tuần sau, các bộ phải báo cáo cụ thể về việc cấp vốn để Thủ tướng ký kết luận chủ trương. Từ đó, tạo nguồn lực cho thành phố hoàn thành tuyến metro vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức xúc về việc rót vốn cho tuyến metro số 1 của TPHCM
“Không để tình trạng thiếu vốn kéo dài làm mất niềm tin nhà thầu, nước ngoài cười, dân cũng cười. Các đồng chí nóng ruột không?”, Thủ tướng nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đã dự thảo, báo cáo Thủ tướng về quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho các dự án có thu hồi đất. Sau khi làm việc với Bộ Tài nguyên – Môi trường, báo cáo hoàn chỉnh đã được gửi xin ý kiến Thủ tướng.
Theo đó, TP xin cơ chế chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng ý. TP vẫn khảo sát điều tra về giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất để tính bồi thường cho các trường hợp chưa đồng thuận.
Theo ông Phong, mục đích yêu cầu của cơ chế, quy trình đặc thù này nhằm để rút ngắn thời gian và xác định được khung thời gian tối đa để hoàn thành việc chi trả, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án kể từ ngày có thông báo thu hồi đất. Ngoài ra cũng xác định được khung thời gian tối đa để hoàn thành việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc TPHCM xin ứng vốn để giải phóng mặt bằng cho tuyến đường vành đai 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ông ủng hộ đề xuất của thành phố. Song, quy trình và một số điểm trong đó chưa đúng với Nghị định và một số vấn đề cần đặt ra.
“Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực và một số bộ ủng hộ việc thí điểm này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về các kiến nghị liên quan đến đất đai của TPHCM
Tại đây, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên môi trường tổng hợp ý kiến và cùng với TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ để trong cuộc họp tới đưa ra thảo luận để trở thành nghị quyết của Chính phủ cho thành phố được thí điểm.
TP.HCM cũng kiến nghị cho phép thành phố tạm ứng gần 3.000 tỷ đồng từ ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 3, đoạn qua địa bàn thành phố, trong khi chờ Trung ương triển khai các thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trước kiến nghị của TP.HCM về cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng đối với những công trình của thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là sự tìm tòi, sáng tạo, đổi mới của TP. Theo ông, đây là bài học tốt về việc đổi mới cơ chế, chính sách trong phạm vi pháp luật cho phép.
"Chúng ta nên ủng hộ cái mới với tư cách TP.HCM là thành phố dẫn đầu trong đổi mới, sáng tạo, phát triển..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Quốc Anh – Phạm Nguyễn