Fica
  1. Thời sự

Thủ tướng công bố dịch bệnh do virus corona mới, những điều người dân cần biết

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Người mắc bệnh hoặc người phát hiện trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Virus corona mới (nCov) được xếp vào nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Việt Nam. Quy mô dịch tại 3 địa phương gồm: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Khánh Hòa.

Theo quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Sau khi công bố dịch sẽ thành lập Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, ngoại giao, quốc phòng, công an và các cơ quan liên quan khác.

Căn cứ vào phạm vi địa bàn được công bố dịch và tính chất của dịch, Thủ tướng có thể tự mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ Y tế là thường trực của Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.

Thủ tướng công bố dịch bệnh do virus corona mới, những điều người dân cần biết - 1

Người nghi ngờ mắc phải khai báo với cơ quan y tế trong 24 giờ

Người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch. Khi đó, cơ quan y tế phải báo cáo cho UBND nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

Ngoài ra, áp dụng các biện pháp tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh dịch và người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch; huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.

Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh phải được cách ly (cách ly tại nhà, tại cơ sở khám, chữa bệnh…). Trường hợp các đối tượng không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch như:

- Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

- Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

- Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

“Tất cả các biện pháp phòng chống dịch, Việt Nam đã áp dụng hết, thậm chí đáp ứng cao hơn một mức. Không chỉ 3 tỉnh có dịch bệnh mà tất cả các tỉnh, thành đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Khi Chính phủ công bố dịch thì các biện pháp này được tăng cường mạnh mẽ hơn”, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ.

Theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch rất mạnh, đáp ứng được tình hình dịch như chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền các cấp tham gia vào, chuẩn bị nguồn lực, giám sát tại cửa khẩu, cơ sở y tế, tổ chức cách ly ca nghi ngờ và ca dương tính, khai báo y tế, phân tuyến điều trị… Bộ Y tế thành lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp do virus corona.

Cũng theo ông, những khuyến cáo về đeo khẩu trang, hạn chế đi lại… vẫn như trước đây. Những ca xác định nghi ngờ vẫn là những trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp (ho, sốt…) kèm thêm yếu tố dịch tễ đi từ vùng có dịch về hoặc tiếp xúc gần với người nghi hoặc đã được xác định nhiễm virus corona mới.

Theo ông giám sát tại cơ sở y tế rất quan trọng vì nhiều ca vào bệnh viện. Người dân đi từ vùng dịch về phải có khai báo, cách ly tại nhà, có triệu chứng sốt đến cơ sở y tế. Đây là điều quan trọng nhất.

Bên cạnh đó cần thực hiện hành vi trong phòng bệnh: đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ…

“Mức độ dịch như thế nào thì đáp ứng ở mức hợp lý, không phải là áp dụng hết các biện pháp”, ông Phu nói.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;

- Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nam Phương