Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện gửi các bộ, ngành và địa phương yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong 4 nước trong khu vực ASEAN đi đầu triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có vấn đề thu thuế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới...
Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126, trong đó có nội dung sửa đổi về quản lý thuế đối với thương mại điện tử nhằm bảo đảm thuận lợi cho các sàn thương mại điện tử trong kê khai và nộp thuế.
Với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng của các đơn vị này.
Cần tăng cường hoạt động quản lý thuế (Ảnh minh họa). |
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố cũng phải phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Trong đó có dữ liệu về tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên không gian mạng; dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, ví điện tử, chuyển tiền; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Thông tin về các cá nhân có thu nhập từ quảng cáo hay kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới trên mạng, thương mại điện tử, mạng xã hội cũng cần được cập nhật liên tục.
Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID; cũng như nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch, gắn định danh điện tử với mã số thuế để quản lý thống nhất định danh công dân trên toàn bộ hệ thống của ngành thuế, từng bước cung cấp một số dịch vụ về thuế cá nhân trên VNeID.
Doanh thu thoạt động thương mại điện tử tăng trưởng tốt (Biểu đồ: Thảo Thu). |
Theo dữ liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2021 doanh thu thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài như Microsoft, Facebook, Netflix, TikTok, Samsung... kê khai và nộp thuế sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế ghi nhận khoảng 20 triệu USD.
Mới đây, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế, xác nhận Apple đã thực hiện kê khai thuế tại Việt Nam. 6 nhà cung cấp nước ngoài chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam là Meta, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đều đã thực hiện nộp thuế.
Thảo Thu