Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 213/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 12/8 về nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc phòng, chống Covid-19 trong nước.
Thông báo nêu rõ, thực hiện quyết liệt mục tiêu bảo vệ tính mạng nhân dân, tạo điều kiện sớm chuyển sang “bình thường mới” phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay.
“Bên cạnh việc nhanh chóng nhập khẩu vắc xin, thuốc cần đẩy mạnh, đẩy nhanh việc nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, tiến hành thủ tục cấp phép nhanh chóng đối với lưu hành, sản xuất vắc xin” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Vắc xin trong nước sẽ được cấp phép, sản xuất sớm nhất có thể. |
Trong điều kiện cấp bách của phòng chống dịch, với yêu cầu và nguyên tắc: “Kịp thời, an toàn và hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất hết sức chủ động và khẩn trương trong việc phối hợp để có thể rút gọn tối đa thủ tục hành chính liên quan đến quy trình thử nghiệm, cấp phép đối với vắc xin.
Các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước cần khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và hồ sơ cần thiết theo quy định, gửi Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để được xem xét, xử lý trong thời gian nhanh nhất có thể.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành thông tư về cấp giấy lưu hành thuốc và vắc xin sản xuất trong nước theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 87 Luật Dược để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đơn vị cấp phép thuộc Bộ Y tế phải kịp thời hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp và từng hồ sơ cấp phép để bảo đảm tiến độ cấp phép nhanh nhất có thể.
Sau khi thông tư được ban hành, Bộ Y tế phải khẩn trương xem xét cấp phép ngay khi nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định về cấp phép/ giấy đăng ký lưu hành thuốc và vaccine sản xuất trong nước và phải được tiếp tục theo dõi theo quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện nhất có thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thông tin về tình hình sản xuất, cung ứng vắc xin hiện nay trên thế giới. Vắc xin tốt nhất là vắc xin đã được cấp phép lưu hành và đến sớm nhất, kịp thời nhất; khắc phục ngay tâm lý phân biệt đối xử với các vắc xin của các nhà sản xuất, tâm lý lựa chọn, chờ đợi vắc xin…
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian vừa qua đã cố gắng rồi nhưng phải cố gắng hơn nữa, đã quyết tâm rồi nhưng phải quyết tâm hơn nữa; đã nỗ lực rồi nhưng phải nỗ lực hơn nữa; tiếp tục cùng nhau phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả vì mục tiêu chung là Việt Nam chúng ta phải có vắc xin sản xuất trong nước sớm nhất có thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân và bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Liên quan đến việc sản xuất vắc xin trong nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1404/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc xin COVIVAC do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế sản xuất.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng 8.807 triệu đồng từ nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Châu Như Quỳnh