Fica
  1. Thời sự

Thu thuế bảo vệ môi trường tăng chóng mặt nhưng vì sao ô nhiễm ngày càng nặng nề?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Số tiền thu về từ thuế bảo vệ môi trường tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Vấn đề là việc chi cho việc bảo vệ môi trường được thực hiện như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về chất lượng môi trường hiện nay?

Thu thuế bảo vệ môi trường tăng chóng mặt nhưng vì sao ô nhiễm ngày càng nặng nề? - 1

Người dân ngày càng lo ngại về chất lượng môi trường sống.

Thuế bảo vệ môi trường thu – chi thế nào?

Từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (năm 2012), tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng, tăng gấp 6 lần từ hơn 11.000 tỷ đồng năm 2012 lên gần 69.000 tỷ đồng dự thu trong năm 2019, trong đó xăng dầu đóng góp đến hơn 90%.

Câu hỏi đặt ra là số tiền thuế hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm thu về đó được chi như thế nào cho việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về chất lượng môi trường hiện nay?

Trao đổi với báo chí trước đó, đại diện Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu từ thuế, phí… được thu vào ngân sách và sẽ chi theo dự toán được Quốc hội, bao gồm các khoản: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ. 

Riêng về các khoản chi cho mục đích bảo vệ môi trường, theo số liệu từng được Bộ Tài chính công bố, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 -2016 là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm. 

Trong số đó, tổng số chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường khoảng 89.131 tỷ đồng, gồm chi thường xuyên bố trí trực tiếp là khoảng 52.420 tỷ đồng và phần chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông... khoảng 36.711 tỷ đồng. 

Trong khi đó, trong thời gian 5 năm trên, tổng chi đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là khoảng 24.246 tỷ đồng. Số này chi cho các chương trình, dự án của ngành tài nguyên và môi trường; ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và các Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu,... 

Chưa thống kê đủ

Bình luận về con số thu – chi thuế bảo vệ môi trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) cho biết, trong khi các nước trên thế giới quan tâm tới thuế bảo vệ môi trường từ những năm 70 và ngày càng coi trọng loại hình loại thuế này, thì Việt Nam mới chỉ tính đến trong khoảng chục năm gần đây.

“Thuế bảo vệ môi trường này mới tính toán thu vào một số mặt hàng mang tính huỷ hoại môi trường hoặc có ảnh hưởng tới môi trường. Trong thực tế còn nhiều vấn đề liên quan tới môi trường mà chúng ta chưa tính đến, cũng không sử dụng đến thuế môi trường hay chi phí để bảo vệ môi trường với các hoạt động có tác động xấu tới môi trường này”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cụ thể, theo vị chuyên gia, thuế môi trường mới chỉ “đánh” vào một số sản phẩm có tác hại trực tiếp và khá rõ ràng với môi trường như xăng dầu, nilon… Trong khi đó, nhiều mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, hay thậm chí như xả thải ra môi trường bằng nước thải hay chất thải (rắn, lỏng) thực tế vẫn chưa quan tâm đầy đủ, chưa tính đến loại thuế này.

Về con số chi bảo vệ môi trường, ông Thịnh cho hay, ở các nước phát triển có sự tách biệt và phân tích tương đối đầy đủ, rõ ràng để người dân có thể nhìn thấy thu chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường cũng như hoạt động liên quan. 

“Việt Nam và phần đông nước đang phát triển, việc tách bạch thế nào là chi bảo vệ môi trường, thế nào chi khác thì chưa có chuẩn phân tách nên nhiều nhà kinh tế, người dân nghĩ rằng chỉ chi trực tiếp ví dụ chi khắc phục hậu quả này kia, hay chi trực tiếp xây nhà máy chế biến rác thải, xử lý nước thải thì mới là bảo vệ môi trường. Như vậy, hoàn toàn không đúng”, ông nói. 

Theo ông Thịnh, chi bảo vệ môi trường có thể hiểu theo nghĩa rộng là làm thế nào để môi trường tốt hơn và trong sạch hơn. Với ý nghĩa như thế có nhiều hoạt động được thống kê vào khoản chi bảo vệ môi trường, ví dụ như ngay cả việc làm đường cao tốc, làm metro, phát triển các phương tiện công cộng.

“Nếu chạy 100km mất 2 tiếng thì lượng xăng dầu tiêu tốn nhiều, khí thải nhiều, ảnh hưởng tới môi trường. Nhưng nếu có đường cao tốc, lượng xăng dầu tiêu tốn ít hơn, xe cộ bớt hư hỏng, môi trường cũng ít bị ảnh hưởng hơn. Rồi các phương tiện công cộng cũng giúp người dân hạn chế phương tiện cá nhân di chuyển trên đường, giảm tiếng ồn, khói bụi. Đó cũng là bảo vệ môi trường chứ nhưng rõ ràng chúng ta chưa thống kê đầy đủ”, ông nói.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, để người dân không còn cảm thấy bức xúc vì việc thu thuế thì các nhà quản lý cần phải xem xét và có sự thống kê minh bạch cả những chi phí trực tiếp lẫn gián tiếp liên quan tới hoạt động bảo vệ môi trường.

“Thu thuế là cả nghệ thuật”

Đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường, trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật theo hướng tăng thuế đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất, sử dụng và sau khi sử dụng.

Theo TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, trong thời gian tới, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng, các chính sách thu cần theo hướng bền vững hơn. Trong đó, cần rà soát thuế suất của tất cả các loại tài nguyên để điều chỉnh cho phù hợp; nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất của những loại tài nguyên không tái tạo.

Dưới quan điểm của một chuyên gia, ông Thịnh thừa nhận, tỷ lệ thu thuế môi trường đánh trên các mặt hàng hiện vẫn còn thấp. Ngay trong xăng dầu, chi phí tương đối ít so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

"Tuy nhiên, để nâng thuế mà người dân không kêu ca thì cần phải có cách đánh thuế thoả đáng, các nhà làm chính sách phải nghiên cứu số liệu của các nước và giải thích rõ ràng cho người dân. Vấn đề là anh không giải thích được, không thấy lợi ích nên mới người dân mới phản ứng. Từ đó, dẫn đến chuyện so bì thuế nhiều, thuế ít này kia. Nếu có giải thích thoả đáng thì vấn đề gì đâu, người dân sẵn sàng nộp ngay”, ông bình luận.

Ông cũng cho rằng, một điểm bất hợp lý nữa là trong khi các nước đánh thuế bảo vệ môi trường vào nhiều mặt hàng thì Việt Nam chỉ chăm chăm vào một thứ như xăng dầu thôi sẽ khiến người dân thấy bất hợp lý.

“Cách thức đánh thuế, thu thuế có ý nghĩa rất lớn trong việc làm người đóng thuế thấy hợp lý, bản chất vấn đề ở đây là cơ quan chính sách chưa thực sự khôn khéo, chưa có nghệ thuật đánh thuế khiến thuế chưa đánh, người tiêu dùng đã kêu om lên rồi”, ông Thịnh cho biết.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh tới sự buông lỏng trong việc bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý. “Nhiều mặt hàng, sản phẩm gây ô nhiễm môi trường mà không được tính đến, không xem xét đánh thuế để có đủ chi phí cho việc bảo vệ môi trường. Chưa kể vì không tính đến, không xem xét nên cũng không có động thái tuyên truyền phù hợp, không có biện pháp, tiêu chuẩn quy trình bảo vệ hợp lý”.

Phương Dung

Thu thuế bảo vệ môi trường tăng chóng mặt nhưng vì sao ô nhiễm ngày càng nặng nề? - 2

Tin liên quan