Fica
  1. Thời sự

Thông tin vay, trả nợ công của Việt Nam trong 5 năm tới

Giai đoạn 2021-2025, dự kiến bội chi của Việt Nam ở mức cao so với khu vực. Số vay hàng năm gấp 1,7 lần so với bình quân giai đoạn trước.

Vấn đề nói trên được đề cập tới trong phiên thảo luận chiều 27/7 tại Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Áp lực trả nợ rất lớn

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM), nếu trong 5 năm 2021-2025 đầu tư công là 2 triệu 870.000 tỷ đồng thì kế hoạch chi ngân sách trong giai đoạn này sẽ lên con số là 10,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với khoản chi trong giai đoạn trước và dẫn đến bội chi khoảng 1,96 triệu tỷ đồng, chiếm 3,7% GDP.

"Vấn đề ở đây là chúng ta phải tính xem bội chi này chúng ta lấy ở đâu? Chúng ta phải lo thêm khoản nữa là nợ cũ đến hạn là khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng nữa" - ông Ngân đặt vấn đề và cho rằng phải tính toán xem kế hoạch trả nợ, phải tính toán thêm kế hoạch nguồn thu ngân sách và khả năng hấp thụ vốn.

Thông tin vay, trả nợ công của Việt Nam trong 5 năm tới - 1

Kế hoạch chi ngân sách giai đoạn 2021-2025 tăng gấp 1,3 lần so với khoản chi trong giai đoạn 2016-2021, chiếm 3,7% GDP (Ảnh minh họa).

Liên quan tới vay nợ nước ngoài, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) nêu bối cảnh hiện nay Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình, trong giai đoạn tới ước tính thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD/người/năm.

Theo vị đại biểu, quá trình vay vốn, chi phí vay vốn có thể cao, kỳ hạn trả nợ gốc bị rút ngắn, áp lực trả nợ tăng lên. "Việc bố trí vốn đối ứng gặp rất nhiều khó khăn khi áp lực khả năng trả nợ tăng rất cao, có nguy cơ vượt ngưỡng 25% trong năm 2021 theo báo cáo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội" - ông Tuấn cho hay.

Đại biểu đoàn TPHCM đề nghị cần có đánh giá, so sánh chi phí lãi vay trong nước; các hiệp định vay cần phải có tính toán cụ thể, đánh giá cụ thể để khi thực hiện các hiệp định vay này chúng ta sẽ chọn lựa được chi phí lãi vay một cách tối ưu nhất, hiệu quả nhất, tránh vay mượn chi phí khá cao.

Bộ trưởng Tài chính nói gì?

Giải trình trước Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi.

Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng, trong tháng 5 đã giảm 34.000 tỷ đồng tiền thuế so với bình quân 4 tháng đầu năm. Tháng 6 giảm 40.000 tỷ đồng; tháng 7 giảm mất 38.000 tỷ đồng. Tại Thủ đô Hà Nội, riêng lĩnh vực sản xuất kinh doanh giảm mất 42,9%, tức là chỉ thu được có 23.653 tỷ đồng và giảm đi 17.762 tỷ đồng, so với quý II giảm 42,9% và thu ngân sách của hộ sản xuất kinh doanh giảm mất 21,5%. Đối với doanh nghiệp có 17.137 doanh nghiệp ngừng sản xuất, tăng lên 19% so với cùng kỳ và có 34.365 hộ cũng ngừng sản xuất, cũng tăng lên trên 19%.

"Đây là một thực tế hết sức khó khăn trong việc vay của giai đoạn sắp tới. Bộ Tài chính sẽ chủ động xây dựng các kịch bản để tham mưu cho Chính phủ điều hành một cách linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các công cụ quản lý kinh tế khác để đảm bảo chủ động cho vấn đề vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế" - ông Phớc thông tin.

Thông tin vay, trả nợ công của Việt Nam trong 5 năm tới - 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã tham mưu cho Chính phủ và đã báo cáo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội: Nợ công là 45,08%, nợ Chính phủ là 41,6% và nợ nước ngoài 41,9%.

Nghĩa vụ trả nợ Quốc hội giao cho Chính phủ là phải đảm bảo cho cả nhiệm kỳ, hay nói cách khác tính theo từng năm không quá 25%/tổng số gói trả nợ/tổng thu ngân sách, vì vậy Bộ Tài chính tính bình quân là có 20,7% trong cả giai đoạn.

"Riêng năm 2021 chúng tôi tính toán là 27,3%. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh chính sách tài khoản để giới hạn tới 25%, tăng thu, tiết kiệm chi và cơ cấu lại nguồn nợ để đảm bảo theo quy định" - ông Phớc cho hay.

Với điều kiện như trên, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ: Ngân sách trung ương vay 1,773 triệu tỷ đồng trong 5 năm tới và vay về cho vay lại 221.800 tỷ đồng, vay nước ngoài 526.0000 tỷ đồng, nhưng đưa vào đầu tư công chỉ 300.000 tỷ đồng ODA.

"Chúng tôi sẽ tập trung cho những công trình trọng điểm, những công trình có hiệu quả lớn và những công trình có tính chất lan tỏa và đột phá" - Bộ trưởng Tài chính cam kết.

Bội chi gần chạm ngưỡng nguy hiểm

Đó là cảnh báo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và báo cáo giải trình của Bộ trưởng Tài chính.

"Trong giai đoạn 2021-2015, bội chi và nợ công tăng để có thêm nguồn tăng vốn đầu tư công nhằm tạo đột phá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bội chi ở mức cao so với khu vực, gần chạm ngưỡng cảnh báo nguy hiểm theo thông lệ quốc tế. Số vay hàng năm gấp 1,7 lần so với bình quân giai đoạn trước" - ông Hải nêu rõ.

Thông tin vay, trả nợ công của Việt Nam trong 5 năm tới - 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (Ảnh: Báo quốc tế).

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tuy các tỷ lệ an toàn nợ công trong giới hạn, nhưng số tuyệt đối của các khoản nợ tăng nhiều. Mức dư nợ vay bình quân trên đầu người tăng cao so với giai đoạn trước. Tổng mức vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc đã lớn hơn tổng số vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2015. Chính phủ cần lưu ý trong điều hành để đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia.

Về tổng mức vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó 1,5 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý vì tổng số vốn đầu tư dự kiến tăng 1,3 lần so với giai đoạn trước, trong khi tăng thu chỉ là 1,2 lần, vậy nên phải có giải pháp đảm bảo nguồn thực hiện kế hoạch trên cơ sở giữ vững an toàn nợ công.

"Quyết định đầu tư triển khai dự án phải cân đối được nguồn thực tế hàng năm, tránh dàn trải, thiếu vốn. Trong điều hành phải phấn đấu tăng thu cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương để có vốn cho các công trình trọng điểm, liên kết vùng, mức lan tỏa rộng làm động lực tăng trưởng" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 Châu Như Quỳnh