Việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP là cần thiết nhưng vẫn cần phải cân nhắc thêm.
Như Dân trí đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh của khu vực này, nhằm phản ánh đầy đủ và toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.
Đề án phân chia khu vực kinh tế chưa được quan sát, hình thành 5 nhóm gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Trước mắt, Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành đo lường thử nghiệm năm 2019, đo lường chính thức năm 2020 và các năm tiếp theo. Việc xây dựng phương pháp thống kê cụ thể cũng như danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát đang được cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Bình luận về đề án này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, đây là một yêu cầu chính đáng trong bối cảnh khu vực kinh tế chưa quan sát được chiếm tỷ lệ % GDP cao nhưng chỉ đóng góp con số rất nhỏ cho nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, việc thống kê là một lẽ nhưng có thu được thuế không còn phụ thuộc vào bộ máy nhà nước do khu vực này có những đặc điểm đặc thù.
Theo vị chuyên gia, cơ quan thuế muốn thu thuế của những đối tượng như người chạy xe ôm hay người bán bún riêu, bún ốc không dễ dàng vì khó kiểm soát.
"Nếu coi hộ gia đình cũng là doanh nghiệp lúc đó đối xử với doanh nghiệp siêu nhỏ này như thế nào? Kinh tế hộ gia đình tạo việc làm, thoát đói nhưng chưa chắc thoát nghèo. Những hộ gia đình không đăng ký, không thương hiệu, khó cạnh tranh hàng hoá quốc tế đang chiếm lĩnh thị trường mình. Khu vực này làm tăng GDP nhưng có tăng năng lực cạnh tranh quốc gia không, đây là câu hỏi lớn", ông nói.
Chưa kể, ông Doanh cũng đề cập tới rủi ro “cưa đôi” tiền thuế giữa cán bộ thuế và người nộp thuế.
"Rất nhiều hộ gia đình có đến cả trăm lao động, quy mô tương đối nhưng vẫn nói là bé, hộ gia đình… Có sự “cưa đôi” hay không đòi hỏi có sự cải cách bộ máy, có sự giám sát người thu và công nghệ để làm sao biết thực thu bao nhiêu, đòi hỏi sự cải cách thể chế, đảm bảo bộ máy có thể được giám sát và chịu trách nhiệm", ông nói thêm.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh tế chưa quan sát được nếu tính không đúng sẽ khiến GDP bị "giả tạo". Theo đó, khi GDP được tính không chính xác sẽ ảnh hưởng đến nợ công bởi quy định trần nợ công được tính dựa trên GDP.
"Theo tôi tính khả thi khó, nhiều nước tính cũng khó và không chính xác. Hiện nay, ngay số liệu công khai còn khiến giới chuyên môn nghi ngờ nên tôi cho rằng việc tính kinh tế chưa quan sát vào GDP ngay sẽ có hiệu luỵ, cần tính và kiểm định, xác định rồi mới đưa vào GDP, ít nhất là một thời gian quá độ", ông Long nói.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng, việc tính thành phần kinh tế ngầm, kinh tế chưa quan sát được vào GDP là cần thiết nhưng vẫn cần phải cân nhắc thêm.
"Tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống. Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi hiểm họa", ông Bùi Trinh nói.
Ông Trinh cũng lo ngại tới việc nếu tính cả khu vực kinh tế bất hợp pháp như cờ bạc, mại dâm... vào GDP sẽ vô hình chung thừa nhập sự hợp pháp của khu vực này.
"Khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp là không thể tính toán thống kê, vì không một cơ quan, tổ chức nào thừa nhận sự tồn tại của nó. Mặt khác, các hoạt động phi pháp như mại dâm, cờ bạc, cá cược... cũng không thuộc phạm trù sản xuất nên Tổng cục Thống kê cũng không có căn cứ để làm. Do đó, việc lượng hóa khu vực này không hề dễ dàng", ông Trinh nói.
Phương Dung