Fica
  1. Thời sự

Thiếu vốn, quá nửa doanh nghiệp làm ăn "bết bát", không thể nộp thuế?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Con số 47% doanh nghiệp có lợi nhuận và nộp thuế dù đã là bước tiến rất lớn nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, một nền kinh tế mà có đến 53% doanh nghiệp không thể nộp thuế cho thấy hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan.


Một trong số những vấn đề Việt Nam gặp phải là thiếu vốn dài hạn.

Một trong số những vấn đề Việt Nam gặp phải là thiếu vốn dài hạn.

53% doanh nghiệp không thể nộp thuế

Phát biểu tại Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính diễn ra sáng nay (21/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Chính phủ coi việc phát triển kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.

Một vấn đề băn khoăn được Phó Thủ tướng nhắc đến là sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay. Ông dẫn số liệu thống kê cho biết, tính đến 31/12/2016, có đến 53% hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận. Con số 47% doanh nghiệp có lợi nhuận và nộp thuế dù đã là bước tiến rất lớn nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, một nền kinh tế mà có đến 53% doanh nghiệp không thể nộp thuế cho thấy hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan.

"Phải chăng do tình trạng vốn mỏng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu nhà nước còn hạn chế", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, chúng ta cần xem tình trạng cơ cấu của thị trường mất cân đối chỗ nào - giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng mất cân đối giữa tỷ trọng với các dịch vụ gia tăng, như phi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng.

Một vấn đề nữa được Phó Thủ tướng nói đến là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.

Giải bài toán bằng quỹ hưu trí tư nhân?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Fiachra MacCana - Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng cho rằng, một trong số những vấn đề Việt Nam gặp phải là sự thiếu vốn dài hạn.

"Tôi đã mất một tuần để thiết kế slide giải thích về sự thiếu vốn dài hạn ở Việt Nam. Theo tôi, quỹ hỗ trợ vốn dài hạn là một trong những giải pháp các ngân hàng giải quyết tình trạng vốn mỏng. Khi nói tới dài hạn, ta phải xác định đây là một trong những giải pháp các ngân hàng cần nâng vốn để giảm tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn", ông nói.

Theo ông Fiachra MacCana, khi nói đến vấn đề dài hạn đồng nghĩa với việc nói đến khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm.

"Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng dược khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân - công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Quỹ hưu trí tư nhân cũng phát triển tại nhiều nước khác, Việt Nam có thể học hỏi để nâng nguồn vốn dài hạn", ông phát biểu tiếp.

Ông cũng nói thêm: "Tất nhiên, để thành lập và vận hành quỹ tư nhân này thành công cần thời gian dài, có thể phải 20-30 năm. Ngay bây giờ chúng ta thực hiện những sáng kiến này thì con cháu chúng ta khoảng 20-30 năm nữa sẽ được hưởng thành quả".

Ngoài quỹ hưu trí tự nguyện tư nhân, vị đại diện từ HSC còn nhắc đến giải pháp nhằm gia tăng sự hiện diện cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vốn. Theo đó, vị này cho rằng cần nhắc tháo dỡ quy định trần vốn 49% của nhà đầu tư nước ngoài, để họ có thể nắm giữ mức trần vốn lớn hơn.

Phương Dung