Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn “lỡ hẹn” không thể đưa vào khai thác.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn “khủng” nhưng tiến độ “rùa bò” suốt gần 10 năm qua. Đáng nói, cách đây 1 năm khối lượng thi công được xác định chỉ còn 1% nhưng khó hiểu là đến nay phía Tổng thầu vẫn ì ạch mãi không thể đưa dự án “về đích”.
Mới đây, quá trình trao đổi qua điện thoại giải quyết các vướng mắc của dự án giữa Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tổng thầu Trung Quốc, Tổng Giám đốc Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu dự án - đã đề cập tới việc cần 50 triệu USD để chạy thử toàn hệ thống.
Đề nghị của Tổng Giám đốc Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã bị bác bỏ. Chủ đầu tư khẳng định phải thực hiện dự án theo điều kiện hợp đồng EPC. Chạy thử dự án là việc Tổng thầu phải thực hiện, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền 50 triệu USD này.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào mới có thể tiếp tục thi công do thiếu nhân sự Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)
Liên quan đến số tiền 50 triệu USD mà Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thêm, nhiều bạn đọc gửi ý kiến về Dân trí bày tỏ sự bức xúc.
Bạn đọc Nguyễn Sỹ Nguyên bình luận: “Thêm 50 triệu USD nữa để chạy thử toàn hệ thống? Cần phải xem lại hợp đồng có khoản chi này không? Đúng là một dự án điên rồ”.
“Chạy thử phía Trung Quốc cần thêm 50 triệu USD, nếu chạy thật con số này còn cao hơn nữa?” - bạn đọc Trần Tuyến đặt câu hỏi.
Cho rằng đây là sự tráo trở của Tổng thầu Trung Quốc, bạn đọc Dương Thị Hồng nêu quan điểm: “Chỉ Trung Quốc mới có kiểu kinh doanh này, trúng thầu giá rẻ, làm hơn 10 năm chưa xong, bây giờ thành đường sắt rát kim cương rồi, hạch toán có khi đắt gấp mấy lần Nhật Bản và Đức đầu tư. Không biết họ lấy 50 triệu USD chạy thử nghiệm, rồi lại có bánh vẽ gì nữa”.
Nói về tương lai của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bạn đọc Phạm Văn Thảo nêu ý kiến bình luận: “Càng cố thực hiện hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (với chiều dài hơn chục km trong nội đô mà trên thế giới chưa có quốc gia nào làm) thì càng vướng vòng luẩn quẩn với Tổng thầu Trung Quốc. Đi thì mắc núi về thì mắc sông. Cán bộ trong ngành tính sao bài toán này? liệu 50 triệu USD nữa có hoàn thiện được không? Hay lại tiếp phát sinh thêm vài chục triệu USD nữa nữa mà chưa chắc có hệ số an toàn cho cung đường này. Thật xót xa, đau buồn quá!”.
Từ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bạn đọc Nguyễn Hoàng đưa ra phân tích về tổng quan các dự án nhiều nước đang sử dụng vốn vay từ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“Các dự án triển khai có vay vốn từ Trung Quốc ở những nước mà Vành đai và Con đường đi qua đều trễ hạn, đội vốn, chây ì và chưa biết ngày kết thúc. Đáng nói, đây đều là những dự án cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Chậm dự án nghĩa là kinh tế cũng tổn thất, giảm tăng trưởng và tăng phụ thuộc vào Trung Quốc. Bạn thấy chưa? Có vẻ hào phóng cho vay tiền nhưng kỳ thực là chơi kiểu xã hội đen thời hiện đại, con nợ sẽ bị kèm kẹp, phụ thuộc không dứt được” - bạn đọc Nguyễn Hoàng cho hay.
Châu Như Quỳnh