Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: I.T)
Hôm nay (12.11), Quốc hội sẽ tiếp hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Tới nay, Australia là nước quốc gia thứ sáu phê chuẩn hiệp định này, tiếp sau Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand.
Theo đánh giá của một số ĐBQH và chuyên gia kinh tế, Việt Nam tham gia CPTPP là cơ hội tốt, giúp nền kinh tế tăng khả năng cạnh tranh, và để hàng hóa Việt tham gia nhiều hơn vào thị trường toàn cầu. Song Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức từ việc cạnh tranh hàng hóa và cải cách thể chế.
CPTPP và bài học cải cách thể chế trước thềm WTO
Bày tỏ sự ủng hộ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập CPTPP, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chúng ta đã nhìn thấy thách thức, nhưng vẫn quyết tâm tham gia. Đây là tín hiệu tốt, khi Việt Nam sẽ tính toán cẩn trọng hơn con đường phát triển trong thời gian tới.
Song bà Chi Lan cũng không quên nhắc lại khoảng thời gian cách đây hơn 12 năm, khi Việt Nam gia nhập WTO. Bà Phạm Chi Lan kể lại: “Khi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển dẫn dắt cuộc đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, đã dựa trên nền tảng WTO. Toàn bộ quá trình đàm phán đó với Việt Nam là quá trình học hỏi các quy tắc WTO. Và sau khi có Hiệp định đó, chúng ta mới tăng tốc đàm phán gia nhập WTO bởi đã có một Hiệp định với Mỹ dựa trên nguyên tắc WTO.
Thời đó, ông Tuyển không hề có ý thức cứ đàm phán trước, rồi không thực hiện cũng không sao. Bởi chúng ta cần một Hiệp định như vậy, một cơ hội để thay đổi và mở cửa vào thị trường Mỹ cho Việt Nam. Điều này còn có ý nghĩa hơn thế là Mỹ bật đèn xanh để các quốc gia khác làm ăn với Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn, các quốc gia cho vay vốn ODA yên tâm cho vay. Điều này khiến kinh tế Việt Nam bật lên khá nhanh”.
Quy mô xuất nhập khẩu của các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP. (Ảnh: VGP)
Theo bà Phạm Chi Lan, Luật Doanh nghiệp 1999 đạt được nhiều thành công một phần do thị trường Mỹ, rồi nhiều thị trường khác mở cửa cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam, giúp xuất khẩu tăng vọt. Còn các doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi từ bên ngoài, tạo thêm nhiều mối quan hệ kinh doanh mới.
“Thực tâm để thực thi là có, dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều cố gắng thúc đẩy để có và thực hiện BTA, không hề có ý nghĩ nhưng không làm. Sau này, khi tham gia WTO, chúng ta vẫn giữ tinh thần như vậy. Đó là lý do Quốc hội tăng tốc trong việc làm Luật, và cố gắng ban hành nhiều Luật mới có chất lượng tốt hơn so với trước. Hầu hết các Luật đó dựa trên nguyên tắc WTO, được áp dụng đưa vào nội Luật của Việt Nam để Luật được WTO chấp nhận.
Rất tiếc, sau đó chúng ta có cách nhìn nhận khác, quay lại thực hiện xây dựng những DNNN lớn, hình thành những quả đấm thép để đương đầu với các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hơn là thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tăng cường nội lực của mình. Cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra nhiều lo ngại, khiến chính sách của chúng ta khác đi so với cam kết WTO và Việt Nam không thực hiện được những điều đã cam kết” bà Phạm Chi Lan phân tích.
Rất may mắn, khi WTO thực hiện rà soát, họ chỉ nhắc nhở Việt Nam trong văn bản nhưng Trung Quốc lại bị tập trung phê phán vì vi phạm quá nhiều cam kết đã ký kết với WTO. Song lần này, trước thềm CPTPP, bà Phạm Chi Lan bày tỏ sự lo lắng, bởi mức độ giám sát và biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn rất nhiều.
“150 nước cùng giám sát rất khác so với 10 nước tập trung giám sát Việt Nam. Chúng ta lại chưa có thể chế kinh tế thị trường đầy đủ. Vậy nên, nếu vi phạm, sẽ bị họ phạt tới nơi tới chốn.
Sự trừng phạt sắp tới có thể xảy ra với cả chính quyền địa phương. Ví dụ về mua sắm công, CPTPP chỉ đề cập tới mua sắm công của chính quyền Trung ương, nhưng EVFTA lại đề cập tới mua sắm công của cả chính quyền địa phương - nơi triển khai trực tiếp Hiệp định. Địa phương nếu vi phạm cũng sẽ chịu biện pháp trừng phạt.
Một sản phẩm của một hay một vài doanh nghiệp vi phạm, họ có thể trừng phạt cả ngành. Một địa phương vi phạm, nhiều địa phương có thể bị phạt lây. Phải tiến tới sao cho Chính phủ và tất cả các ngành, nội bộ phải giám sát nhau chặt chẽ, không để xảy ra vi phạm”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ sự lo lắng.
Theo bà Phạm Chi Lan, để thực thi những cam kết đã ký trong CPTPP, phụ thuộc rất nhiều vào việc những con người trong bộ máy thực thi phía dưới có thực tâm cải cách hay không?
Quy định DN thuê 10 lao động nữ phải có 1 nhà vệ sinh và tiêu chuẩn CPTPP
Là người điều hành tất cả các chiến dịch vận động và soạn thảo các khuyến nghị phương án đàm phán của VCCI gửi Chính phủ và Đoàn đàm phán trong quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại quan trọng của Việt Nam thời gian qua như TPP (sau đó là CPTPP), EVFTA… TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho rằng, sau khi TPP chuyển thành CPTPP, EVFTA là hiệp định thương mại tự do lớn nhất về quy mô mà Việt Nam từng đàm phán tính tới thời điểm này.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI). (Ảnh: H.T)
TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, CPTPP sẽ yêu cầu những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, quyền lợi của phụ nữ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái... Điều này sẽ dẫn tới chi phí tuân thủ cao.
“Có một quy định đối với lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nữ, cứ 10 người phải có 1 nhà vệ sinh. Doanh nghiệp phản ứng rất nhiều, bởi chỉ riêng diện tích để làm nhà vệ sinh đã là khoản chi phí quá lớn. Tiêu chuẩn về lao động, môi trường chỉ cao hơn một chút, chi phí tuân thủ phát sinh là vô cùng lớn.
Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội. Thực tế, những cam kết nêu trên hoàn toàn phù hợp với định hướng của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động. Tham gia CPTPP, chúng ta sẽ có thêm hỗ trợ kỹ thuật của các nước trong khối để thực hiện cam kết. Nếu thực hiện được, sản phẩm dệt may, giày dép Việt Nam và nhiều sản phẩm khác sẽ không bị tẩy chay như sản phẩm của Bangladesh, Trung Quốc tại nhiều thị trường.
Họ nhìn nhận khi Việt Nam tham gia CPTPP, các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam sẽ phải tuân thủ các yêu cầu và có thương hiện xanh - bề vững, thương hiệu hồng - nhân văn trong đối xử với người lao động”, bà Trang phân tích.
Theo Hoàng Nhật
Dân Việt