Tại Hội thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô được Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 21/8 ở Hà Nội, nhóm các doanh nghiệp, taxi truyền thống đã đưa một loạt kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chính phủ đề nghị cân nhắc kỹ trước khi thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.
Đơn kiến nghị của các Hiệp hội taxi đấu tố Bộ GTVT và kiến nghị Chính phủ cân nhắc thông qua Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.
Cụ thể, Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngăn chặn kịp thời một "thảm họa" cho lĩnh vực taxi của Việt Nam và đưa ra những quy định quản lý phù hợp. (Chính phủ đang xem xét thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô).
Theo Hiệp hội taxi Hà Nội: "Chúng tôi không đồng tình ở tờ trình Dự thảo Nghị định Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Bộ GTVT", bởi "Tờ trình chưa đánh giá đúng những tồn tại của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải".
Hiệp hội này minh chứng cho thất bại của Bộ GTVT như: "Chương trình thí điểm đã phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương, gây ùn tắc giao thông. Xe Grab và Uber tăng gấp 2 lần tại TP.HCM và Hà Nội sau 2 năm thí điểm. Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, triệt tiêu taxi truyền thống."
"Bộ GTVT nhìn nhận Grab là đơn vị cung cấp phần mềm đơn thuần đã tạo ra bất bình đẳng rất lớn về điều kiện kinh doanh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, Grab hưởng mức VAT 0% trong khi taxi truyền thống chịu 10%. Điều này khiến taxi truyền thống khó khăn nhất từ trước đến nay", văn bản của Hiệp hội taxi Hà Nội nêu.
Hiệp hội taxi Hà Nội chỉ đích danh: Grab liên tục phá giá, khuyến mại đã khiến hãng này thua lỗ kéo dài. Bộ Tài chính cảnh báo Grab có dấu hiệu rủi ro cao, giám sát trọng điểm về thuế.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng xe công nghệ hiện nay đang tạo nhiều bất ổn cho xã hội: "Người lái xe cho Grab không được đóng bảo hiểm, trong khi Grab liên tục tăng tỷ lệ thu từ 20%, 23% đến 29% tạo ra nhiều bức xúc, cho lái xe".
Hiệp hội này cho rằng: Tờ trình của Bộ GTVT bỏ qua nhiều ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý nhà nước của nhân dân về xe hợp đồng điện tử. Trong đó có ý kiến góp ý của Hiệp hội taxi Hà Nội, UBND TP. Đà Nẵng và Sở GTVT TP.HCM.
Theo đơn khuyến nghị của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội: "Chúng ta cần xếp loại xe hợp đồng điện tử vào cùng loại với taxi điện tử, để dễ quản lý và đảm bảo công bằng. Đồng thời: "Nếu quy định các điều kiện của xe hợp đồng điện tử giống với taxi điện tử, thì phải gắn hộp đèn "Hợp đồng điện tử" và Taxi điện tử" trên nóc xe".
Cũng kiến nghị với nội dung trên lên Chính phủ, lập luận của Hiệp hội taxi TP.HCM và Đà Nẵng có phần nặng nề hơn. Cụ thể, liên Hiệp hội này khẳng định: Bộ GTVT đang đánh giá không trung thực về kết quả thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi trở xuống cho Uber và Grab.
Hiệp hội cho rằng, Bộ GTVT có 10 sai lầm, thiếu sót trong quá trình gần đây, trong đó không tiếp thu kiến nghị khống chế số lượng xe thí điểm mà cho thí điểm 5 thành phố lớn khiến tăng xe con gấp 3 lần. "Vụ Vận tải - Bộ GTVT trước sau như một, luôn bào chữa, bảo vệ và xác định Uber và Grab là công ty "cung cấp phần mềm gọi xe", "kết nối hành khách với đơn vị vận tải", liên hiệp hội taxi Đà Nẵng, TP.HCM nói.
Theo liên minh này: Grab và Uber (trước kia) trực tiếp tuyển mộ lái xe, hướng dẫn đầu tư, điều hành từng cuốc và quyết định phân chia tỷ lệ ăn chia theo kiểu "bóc lột" lái xe, rồi báo lỗ trên nghìn tỷ đồng...
Nhóm liên Hiệp hội taxi trên cả nước cho rằng: "Rất có thể đây là văn bản kiến nghị cuối cùng của các Hiệp hội taxi trên cả nước trước "cơn lốc Grab" đang tung hoành trên đất nước Việt Nam. Khi họ chiếm được độc quyền thì chắc chắn giá cước sẽ tăng cao, thu lợi nhiều hơn và chúng ta sẽ không can thiệp được vì đã có "lỗ hổng" pháp lý rồi".
Nguyễn Tuyền