Fica
  1. Thời sự

  2. Đầu tư

Tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông: Vận tốc 35 km/h, vé đắt hơn buýt nhanh

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đơn vị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết, tốc độ di chuyển bình quân của tàu trên cao là 35 km/h, đây là vận tốc tối ưu so với xe buýt nhanh BRT và buýt thường. Vé tàu được trợ giá nhưng sẽ cao hơn vé của các phương tiện công cộng khác.

 

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được chạy kiểm tra thiết bị, tín hiệu

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm tại báo Giao thông sáng nay (10/8), trong bối cảnh tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội dự kiến sẽ được vận hành thử nghiệm trong tháng 8 này.

Trung Quốc trực tiếp vận hành thử nghiệm

Ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng đạt trên 96%, một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống chuyên ngành thiết bị.

Các chuyên ngành thiết bị hiện nay đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu.

Ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt

 

Theo ông Phương, hiện nay Tổng thầu Trung Quốc đang căn chỉnh đơn động từng hạng mục đã lắp đặt. Các hạng mục tại khu bảo dưỡng sửa chữa Depot cũng đang gấp rút hoàn thành. Ban Quản lý dự án cũng chỉ đạo Tổng thầu thực hiện căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn một số hạng mục công tác hoàn thiện cũng đang gấp rút triển khai để vận hành trong thời gian tới.

Về kế hoạch vận hành chạy thử, ông Phương cho biết đã thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Hệ thống sẽ được cấp điện và đóng điện toàn tuyến trong tháng 8. Ngày 1/8, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tiến hành thử cấp điện từ dây tiếp xúc cho đoàn tàu. Với phương pháp thử này, đoàn tàu đã được chạy trên toàn tuyến để kiểm tra nội dung cấp điện cho tàu.

“Tuần qua, chúng tôi cũng đã cho kiểm tra hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu và một số các công việc liên quan hệ thống tín hiệu như các hạ tầng điều khiển đoàn tàu, thiết lập tuyến và đường chạy cho đoàn tàu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn tất công tác kiểm tra cho các thiết bị, sau đó vận hành thử toàn tuyến. Kế hoạch này theo chỉ đạo cũng sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8 này. Mọi công tác hiện đang được chuẩn bị một cách rốt ráo và đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng GTVT.” - ông Phương nói.

Buổi tọa đàm diễn ra tại báo Giao thông sáng 10/8

 

Những ngày gần đây, Tổng thầu Trung Quốc đang kiểm tra đơn động cho từng thiết bị như hệ thống thông tin, tín hiệu, điều khiển đoàn tàu. Sau khi hoàn tất việc kiểm tra đơn động, đoàn tàu sẽ kiểm tra liên động toàn tuyến, dự kiến chạy thử toàn tuyến cuối tháng 8.

Về nhân lực phục vụ vận hành thử nghiệm tuyến tàu, ông Phương cho biết, lực lượng chính là Tổng thầu Trung Quốc. Toàn bộ lực lượng của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam để tham gia vận hành thử nghiệm.

Lực lượng để tiếp nhận trực tiếp vận hành dự án sau thử nghiệm có 681 nhân sự đã được đào tạo, trong đó có 30 nhân sự quản lý. Trong quá trình vận hành thử nghiệm đội ngũ này sẽ được tham gia.

Vé đắt hơn buýt nhanh

Dưới góc độ của đơn vị sẽ tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội - cho rằng từ buýt thường lên buýt nhanh BRT rồi đường sắt trên cao là bước tiến của văn minh nhân loại.

“Tuyến đường sắt dài 13,1km, có 12 ga hành khách. Tốc độ di chuyển bình quân của tàu trên cao là 35 km/h, đây là vận tốc tối ưu hơn so với vận tốc của xe buýt BRT của Hà Nội là khoảng 20-23 km/h, xe buýt thường là 16-18 km/h.” - ông Trường nói.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội cho biết đã khảo sát phản ứng của hành khách về tuyến đường sắt trên cao, trong đó 98% những người được hỏi cho biết biết về dự án, 95% người dân nói sẽ đi thử xem sao.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội

 

Về giá vé, theo khảo sát, người dân chấp nhận vé lượt cao hơn so với buýt thông thường từ 35-35%, theo khảo sát thì người dân thích sử dụng vé tháng và chấp nhận cao hơn giá vé tháng của xe buýt.

“Vé được trợ giá, nhưng sẽ cao hơn giá vé của các phương tiện công cộng khác. Tuy nhiên, vé tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ phải đảm bảo hợp lý để thu hút được người sử dụng xe cá nhân đi đường sắt đô thị.” – ông Trường thông tin.

Đối với các quy định pháp lý áp dụng với tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội – cho hay: Các quy định khai thác, vận hành của đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Sở GTVT Hà Nội triển khai xây dựng từ khoảng 2 năm nay. Ngày 31/7 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP.Hà Nội xem xét. Dự kiến trong tháng 8 này, thành phố sẽ phê duyệt.

Cùng đó, tuyến tàu sẽ được thực hiện theo Luật Đường sắt và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, các thông báo, chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội.

Châu Như Quỳnh

Tin liên quan