Fica
  1. Thời sự

Tập trung đền bù giải phóng mặt bằng, gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa yêu cầu 5 địa phương phải tập trung các giải pháp khắc phục những tồn tại, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công tháng còn lại của năm 2022, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.

Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân của 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương.

Tính đến hết tháng 10/2022, 5 địa phương này mới giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch địa phương triển khai.

Ước tính thời hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 đến hết ngày 31/1/2023, 5 địa phương này sẽ giải ngân được trên 21.527 tỷ đồng, đạt 80,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo từ Tổ công tác số 6 cho thấy: Sau khi kiểm tra chi tiết giải ngân vốn ngân sách Trung ương, cả 5 địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân đạt rất thấp so với yêu cầu, chưa kể nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 và vốn đầu tư cho gói kích cầu sẽ được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung trong năm 2022.

Thời gian còn lại của năm ngân sách 2022 còn rất ít, do đó nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề. Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cấp chính quyền tại 5 địa phương trên phải coi việc giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn để thúc đẩy giải ngân, khơi thông nguồn vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân; tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc; ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải quyết tâm thực hiện cho đạt mục tiêu đề ra, phấn đấu hoàn thành dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương này thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư. “Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải quyết tâm thực hiện cho đạt mục tiêu đề ra, phấn đấu hoàn thành dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng năm 2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới chỉ đạt khoảng 26% dự toán. Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết: Năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài là 34.586 tỷ đồng cho 13 Bộ và 59 địa phương. Như vậy, giải ngân của 11 tháng năm 2022 đang bị chậm. So với giải ngân của năm 2021, trong 11 tháng năm 2021 cũng chỉ giải ngân được 22%.

“Bên cạnh đó, cũng có khoảng hơn 2.800 tỷ đồng các chủ dự án đã chuyển hồ sơ sang Kho bạc Nhà nước (KBNN) kiểm soát chi nhưng hiện nay, các chủ dự án (chủ yếu tập trung ở địa phương) chưa chuyển hồ sơ lên Bộ Tài chính để làm đề xuất nhà tài trợ giải ngân. Nếu tính khoảng hơn 2.800 tỷ đồng cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành đã được kiểm soát chi sẽ giải ngân trong thời gian tới thì dự kiến là mức giải ngân khoảng 34 - 35% so với dự toán được phê duyệt”, ông Võ Hữu Hiển cho biết.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xử lý theo hướng: Một là, đề nghị các chủ dự án đã có khối lượng hoàn thành hoặc đang thực hiện việc nghiệm thu các khối lượng hoàn thành, tập hợp chứng từ gửi KBNN khẩn trương kiểm soát chi, trên cơ sở đó gửi Bộ Tài chính làm thủ tục gửi nhà tài trợ thanh toán khối lượng này; hai là, đối với các vướng mắc như giải phóng mặt bằng, tái định cư, đấu thầu, tổ chức thực hiện dự án, thẩm định, phê duyệt, các vấn đề vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện đề nghị các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ dự án sớm rà soát. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản chủ động khẩn trương xử lý; trường hợp thuộc trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoặc bộ chuyên ngành, đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phối hợp xử lý dứt điểm.

Đối với các gói thầu, công trình có khối lượng đang thực hiện, các cơ quan chủ quản chỉ đạo nhà thầu, chủ dự án, tư vấn giám sát khẩn trương tháo gỡ vướng mắc tại công trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, làm cơ sở thanh toán giải ngân. Đối với những vấn đề liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, sử dụng vốn dư, đề nghị cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tháo gỡ cho từng dự án có đề xuất, đẩy nhanh các thủ tục liên quan.

Đối với các chương trình, dự án khó có khả năng triển khai trong năm 2022, các Bộ, ngành, đia phương gửi đề xuất đề nghị giảm kế hoạch vốn về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


 8 Bộ, ngành và 33 địa phương xin trả lại vốn

Theo Bộ Tài chính, việc trả lại kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022, các chủ dự án chắc chắn đã rà soát tiến độ khả năng giải ngân để báo cáo cơ quan chủ quản đề xuất với cấp có thẩm quyền trả lại số vốn không có khả năng giải ngân trong năm. Đến nay, Bộ Tài chính đã tổng hợp, có khoảng gần 12.626 tỷ đồng (36,5% kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương) được các Bộ, ngành, địa phương có văn bản chính thức đề xuất trả lại kế hoạch vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét theo quy định.

Đối với số vốn không thể giải ngân đề nghị trả kế hoạch vốn này, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ tiến độ thực hiện dự án đã điều chỉnh để bố trí vào kế hoạch vốn của năm tiếp theo đối với các Hiệp định vay vẫn còn thời hạn giải ngân. Đối với các Hiệp định hết thời hạn giải ngân, không được gia hạn thời hạn giải ngân trong năm tiếp theo thì số vốn vay nước ngoài không thể sử dụng sẽ được cơ quan chủ quản báo cáo cấp có thẩm quyền và gửi nhà tài trợ huỷ vốn vay này và bố trí nguồn vốn khác để hoàn thành Dự án.

 

Theo Minh Phương

Báo Tin Tức