Fica
  1. Thời sự

Tăng thuế môi trường xăng dầu: “Chọn cách thu dễ nhất, cấp cứu cho bội chi"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chuyên gia kinh tế cho rằng, dù không "hợp" lòng dân lắm nhưng thuế bảo vệ môi trường là khoản dễ thu, cứ nhập xăng về là thu được, "tiền tươi thóc thật" nên vẫn được ưa thích. "Chọn cách thu dễ nhất, đây là cấp cứu cho bội chi", TS Lê Đăng Doanh nói.

Thuế môi trường xăng dầu tăng sẽ mang lại cho ngân sách thêm hơn chục nghìn tỷ đồng.

Thuế môi trường xăng dầu tăng sẽ mang lại cho ngân sách thêm hơn chục nghìn tỷ đồng.

Như tin đã đưa, ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm sau (1/1/2019).

Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức thuế tăng lên 1.000 đồng/lít, từ mức 300 đồng/lít hiện nay. Thuế môi trường lên các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng/lít.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho biết, quyết định tăng thuế môi trường lần này sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 15.600 tỷ đồng. Đây là khoản thu lớn cho ngân sách nhưng sẽ làm tăng chi phí vận tải, tăng giá thành tất cả sản phẩm dịch vụ, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp vào lạm phát.

"Tôi nghĩ đây là biện pháp không được người người dân ủng hộ nhiều. Tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng. Chưa kể, xăng tăng thì từ hạt gạo, quần áo tới con gà, con vịt đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân", ông nói.

Ông Doanh cho rằng, dù không "hợp" lòng dân lắm nhưng thuế bảo vệ môi trường là khoản dễ thu, cứ nhập xăng về là thu được, "tiền tươi thóc thật" nên vẫn được ưa thích. "Chọn cách thu dễ nhất, đây là cấp cứu cho bội chi", ông nói

Tuy nhiên, ông Doanh cũng đặt vấn đề, tại sao không cắt giảm chi thường xuyên hiện đã chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, tiết giảm các khoản chi lãng phí, không hiệu quả như đi nước ngoài, chi phí lễ tân, tiếp khách thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

"Tăng thuế môi trường nhưng mà thu chỗ này lại chi chỗ khác, vậy cái gọi là thuế môi trường có thực sự chi cho môi trường không? Nếu không chi cho môi trường thì chi những khoản gì, đề nghị làm rõ", ông nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết, bản thân ông không bất ngờ vì quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vì thực ra việc tăng thuế vẫn nằm trong khung đã được duyệt.

Lý giải về nguyên nhân tăng thuế, vị chuyên gia thẳng thắn: "Bối cảnh hiểu rõ là Bộ Tài chính bí quá rồi, thiếu tiền thì phải tăng thuế".

Nêu quan điểm về câu chuyên kiến nghị giảm chi thay cho tăng thuế, ông cho biết: "Tôi có nghe qua ý kiến một số chuyên gia nói là, cơ quan chức năng toàn nghĩ tới thu, chưa nghĩ tới giảm chi. Nhưng mà tôi cho là giảm chi bây giờ cũng chưa giảm được ngay, cháy túi rồi thì phải làm chứ làm sao".

Ông đánh giá, việc tăng thuế sẽ tác động tới tầng lớp thu nhập thấp nhiều hơn, tác động khiến các mặt hàng khác tăng giá theo. Doanh nghiệp cũng là đối tượng sẽ phải chịu tác động từ quyết định này.

"Dù sao cũng phải cho tăng thôi, đánh vào doanh nghiệp tiêu dùng nhưng mà phải chịu chứ làm sao, không có cách nào khác thì phải chịu. Đây là trường hợp bất khả kháng, bây giờ đánh thuế nọ kia chưa được nên phải tăng thuế bảo vệ môi trường đã", ông nói thêm.

Phương Dung