Loay hoay trong bão dịch
Chia sẻ với PV Dân trí, bạn Phạm Lan Hương lo lắng về cơ hội việc làm thời gian tới. Phạm Lan Hương vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành Quản trị Du lịch Nhà hàng khách sạn (trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) vào tháng 6/2020.
Tháng 7 vừa rồi, Hương được nhận vào làm vị trí quản lý tại một nhà hàng trên địa bàn tỉnh Nam Định với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Hương chia sẻ: “Tôi chấp nhận đi làm xa cách nhà hàng trăm km với mức lương ít ỏi. Lúc đầu, tôi thấy rằng như thế vẫn còn là may mắn vì bạn bè cùng lớp chẳng ai xin được việc cả, nhiều người đã phải đi làm công nhân”.
Phạm Lan Hương (ở giữa) ra trường với tấm băng loại giỏi nhưng vẫn đang loay hoay tìm việc làm
Làm được 2 tháng, Hương bỏ ngang công việc vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhà hàng cắt giảm một nửa nhân sự khiến Hương phải làm thêm cả công việc phụ bàn và dọn dẹp nhưng lương vẫn thế.
“Tôi không có thu nhập gì khác ngoài lương, đóng tiền nhà trọ đã hết một nửa. Công việc thì vất vả từ sáng đến tối muộn lại còn phải đi làm đủ 30 ngày/tháng nên tôi quyết định xin nghỉ việc” - Hương tâm sự.
Theo thống kê của Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam, chỉ riêng lao động làm hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam đang có 27.000 người gặp khó khăn vì không có việc làm.
Hiện tại, Hương trở về quê phụ giúp gia đình bán đồ ăn sáng. Những lúc rảnh rỗi, cô học thêm các kỹ năng và tiếng Anh để phục vụ cho công việc sau này.
Nguyễn Văn Hiệp 22 tuổi, quê ở Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội, vừa mới tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2019.
Ra trường trước lúc xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Hiệp đang thử việc cho một công ty du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Sau Tết, dịch bệnh ập đến Hiệp rơi vào tình trạng mất việc, chuyển sang bán vé máy bay thế nhưng cũng chẳng bao lâu sau thì công việc này cũng không còn đem lại thu nhập nữa.
Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: “Mình đang bán phụ kiện điện thoại qua mạng để có tiền trang trải cho cuộc sống, cũng chỉ mong sớm hết dịch để xin được việc làm đúng ngành nghề đã học”.
Hàng ngày, Hiệp vẫn không ngừng nắm bắt tình hình du lịch trong nước và quốc tế để sớm tìm cho mình một cơ hội việc làm mới.
Nhiều cơ hội lắm rủi ro
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Phúc Sinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc cho hay, trước thực tế ngành du lịch trong nước và trên thế giới đóng băng nhiều tháng qua, không ít lao động mất việc, sinh viên mới ra trường thì không xin được việc.
Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít ruỏi do cho sinh viên ngành du lịch ra trường thời gian này
Ông Đặng Phúc Sinh chia sẻ: "Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn những cũng là cơ hội để các em có thời gian luyện tập, rèn luyện bổ sung những kỹ năng, kiến thức còn thiếu khi học ở trường như tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử…”.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Đức Trung - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng - cho rằng, không ít lao động ngành du lịch sau khi nghỉ dịch đã tìm được cho mình công việc mới phù hợp hơn và không muốn quay trở lại với nghề nữa. Đây cũng là cơ hội không nhỏ đối với những sinh viên mới ra trường.
“Bên cạnh những cơ hội là không ít những rủi ro đối với những lao động mới ra trường như, trong thời gian quá lâu không xin được việc lại chưa làm nghề nên chưa đủ đam mê theo đuổi sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, bỏ nghề. Không ít cử nhân không chịu rèn luyện, học tập trong thời gian chờ đợi dẫn đến việc mai một kiến thức và kỹ năng sẽ rất khó nếu sau này làm nghề” - ông Trung cho biết thêm.
Theo ông Trung, khi du lịch manh nha hoạt động trở lại nhiều doanh nghiệp sẽ giảm giá để thu hút khách hàng, kéo theo đó là chất lượng phục vụ cũng giảm xuống tạo thành tiền lệ xấu đối với nhân lực làm ngành du lịch.
Mất thời gian dài hồi phục
Cũng theo ông Lê Đức Trung - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, dịch bệnh sẽ còn tác động lâu dài đến ngành du lịch.
"Khi thế giới hết dịch, các nước mở cửa lại đường bay mới có thể hy vọng vào sự phát triển nhanh chóng của du lịch. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc nhân lực du lịch tiếp tục khó khăn trong thời gian tới là không thể tránh khỏi" - ông Trung dự báo.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Quỳnh Tổng giám đốc Furama Resort cho rằng, việc các doanh nghiệp tự cứu lấy mình mà cho nhân viên nghỉ việc là điều bắt buộc phải làm.
Ông Quỳnh chia sẻ: “Chúng tôi rất xót xa khi thấy những nhân viên của mình về quê làm nông nghiệp, phụ hồ. Nhiều gia đình cả nhà làm du lịch phải bán cả đồ đạc đi để duy trì cuộc sống nhưng không còn cách nào khác”.
Được biết thời gian vừa qua, công ty ông Quỳnh đã phải cắt giảm khoảng 70% nhân viên tương đương với 600 người. Cùng quan điểm với ông Lê Đức Trung, ông Quỳnh cho rằng ngành du lịch trong nước sẽ mất thời gian dài để phục hồi được như trước.
"Việc duy trì lượng nhân viên cũ đối với các doanh nghiệp đang là bài toán khó, vậy nên việc nhân lực mới ra trường muốn có việc làm trong thời gian này thực sự là điều không thể"- ông Quỳnh cho biết thêm.
Theo ông Quỳnh, để đời sống của lao động làm ngành du lịch được trở lại bình thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kinh tế xã hội, doanh nghiệp, và các gói chính sách hỗ trợ người lao động của chính phủ,…
Phạm Công