Fica
  1. Thời sự

Tài sản tham nhũng trên 75.000 tỷ đồng, mới thu hồi được 11.000 tỷ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong số 75.000 tỷ phải thu hồi, Chính phủ cho biết, xác định được gần 49.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đã thu được 11.000 tỷ đồng, tỷ lệ như vậy chỉ đạt 23%...

Tài sản tham nhũng trên 75.000 tỷ đồng, mới thu hồi được 11.000 tỷ - 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Những con số đó được Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu trong báo cáo về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ, được trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét sáng nay, 14/9.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2020 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Kết quả, tổng số phải thi hành là hơn 5.600 việc, trong đó, số có điều kiện là gần 4.200 việc, chiếm 73,98% trong tổng số phải thi hành. Các cơ quan đã thi hành xong gần 2.600 việc, đạt tỷ lệ 61,95%.

Về tiền thì tổng số phải thi hành trên 75.700 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện là xấp xỉ 49.000 tỷ đồng, chiếm 64,67% trong số phải thi hành, đã thi hành xong là 11.000 đồng, đạt tỷ lệ 23,25%.

Đánh giá chung của Chính phủ, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự, Thi hành án hình sự...), công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Báo cáo cũng đề cập kết quả thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, số việc phải thi hành là hơn 33.000 việc, tăng 4.888 việc (tăng 17,38%) so với cùng kỳ năm 2019. Cơ quan thi hành án đã thi hành xong 3.545 việc, tăng 158 việc so với cùng kỳ năm 2019, đạt tỷ lệ 16,62%.

Số tiền phải thi hành là trên 187.000 tỷ tăng hơn 41.000 tỷ, tăng 28,26% so với cùng kỳ năm 2019 (chiếm 71,11% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành). Đã thi hành xong trên 26.000 tỷ, tăng 7.550 tỷ (tăng 40,33%) so với cùng kỳ năm 2019, đạt tỷ lệ 19,32%.

Báo cáo nhấn mạnh, như vậy, mặc dù án phải thi hành liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng tăng, đặc biệt về tiền nhưng kết quả thi hành xong về việc và tiền đều tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn nhận hạn chế, Chính phủ cho rằng, mặc dù số việc phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn (chiếm 28,68% về tiền so với tổng số phải thi hành). Trong khi đó phần lớn người phải thi hành án không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án làm tăng tỷ lệ về tiền chuyển kỳ sau. Nhiều bản án đã tuyên có giá trị tiền, tài sản phải thi hành lớn mới xét xử xong, đang trong quá trình xác minh, xử lý tài sản để thi hành án.

Hạn chế tiếp theo được Chính phủ nêu là cơ chế phối hợp trong công tác thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa thật sự hiệu quả, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, có số tiền thu hồi đặc biệt lớn, tài sản phải xử lý liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Tư pháp cũng thông tin, hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, dẫn đến khi phát mãi tài sản để thi hành án mất nhiều thời gian thẩm tra, phát sinh khiếu nại, tranh chấp, đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.

Thái Anh