Đặc thù của Hải Dương là hàng hóa nông sản tiêu thụ tại địa bàn tỉnh chỉ 20%, còn lại 80% là xuất khẩu và lưu thông sang tỉnh khác. Với mặt hàng cà rốt, trước khi có dịch, người nông dân rất hồ hởi bán cho các thương lái, doanh nghiệp với giá 7.000 - 7.500 đồng/kg. Trong khi năm trước, giá cà rốt chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Nhưng do bị "ngăn sông, cấm chợ", cà rốt gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Các tổ chức, cá nhân trên cả nước lại phải chung tay giải cứu nông sản cho Hải Dương. Song, việc giải cứu nông sản chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lượng nông sản nếu không xuất khẩu, hoặc lưu thông thì vẫn tồn đọng rất lớn.
Xung quanh vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Văn Song - Ủy viên Hội đồng Giáo sư kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
HỆ LỤY CỦA "NGĂN SÔNG, CẤM CHỢ"
Thưa ông, hiện nay 80 - 90% cà rốt tại Hải Dương đều được xuất khẩu, chỉ có 10% - 20% tiêu thụ nội địa. Nhưng việc "ngăn sông, cấm chợ" như hiện nay đang khiến nông sản không thể xuất đi. Thưa ông, việc này sẽ gây ra những hệ lụy thế nào cho ngành nông nghiệp?
- GS. TS Nguyễn Văn Song: Việt Nam đã, đang và sẽ mở cửa nền kinh tế, thị trường cho hàng hóa, dịch vụ nói chung và các sản phẩm nông sản nói riêng. Việc mở cửa không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà còn đang ngày càng mở rộng ra các thị trường quốc tế khó tính như Châu Âu, Nhật, Úc, Mỹ. Đây không chỉ là thuận lợi làm cho đầu ra của các sản phẩm nông sản ổn định, giá bán cao hơn mà còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Nông sản là loại sản phẩm có tính thời vụ, hầu hết là tươi sống (nông sản Việt Nam tỉ lệ chế biến sâu chưa cao) nên chi phí bảo quản cao. Chính vì vậy, thời gian bảo quản trong quá trình tiêu thụ rất ngắn, đòi hỏi tính kịp thời.
Sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ là một chuỗi giá trị liên hoàn từ đầu vào cho đến đầu ra thậm chí đến tận người tiêu dùng. Chuỗi giá trị này đòi hỏi phải thông suốt và không ách tắc ở bất cứ công đoạn nào, tác nhân nào trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Do đó, đã chấp nhận kinh tế thị trường thì Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải tạo các điều kiện tốt nhất về cơ chế, đặc biệt là làm sao cho các quy luật của thị trường hoạt động tốt nhất mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hiệu quả.
Hiện nay, vì một số lý do mang tính chất địa phương, mang tính chất cục bộ hoặc không thống nhất trong việc thực thi chính sách của Chính phủ của một số địa phương, một số ngành dẫn tới "ngăn sông, cấm chợ". Đây là các hoạt động phản tác dụng và làm cho các quy luật thị trường hoạt động không hiệu quả, Gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, ngành nông nghiệp nói riêng.
Nếu xét dưới góc độ toàn xã hội sẽ gây tổn thất phúc lợi xã hội, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Còn xét dưới góc độ ngành sản xuất thì sẽ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất trong xã hội không chỉ ngành nông nghiệp.
Trong ngắn hạn, người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, các công ty, các doanh nghiệp tham gia như là các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ thiệt hại.
Trong dài hạn thị trường các mặt hàng này sẽ thiếu cung, các đầu mối xuất khẩu sẽ giảm do "mất tín", do lỗ và ảnh hưởng tới cán cân thương mại quốc tế không chỉ của riêng ngành nông nghiệp.
Thưa ông, ngành sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, mỗi khi gặp khó khăn thì "giải cứu" nông sản có phải là cách làm tốt?
- "Giải cứu" nông sản chỉ là khâu trước mắt, vì thị trường nội địa chỉ chiếm 10%. Vậy tiềm năng "giải cứu" chỉ đảm bảo được 10-20% là tối đa.
Ổn định đầu ra đối với mọi sản phẩm, đặc biệt là đối với sản phẩm của nông nghiệp phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Bên cạnh các rủi ro phải đối mặt như các ngành khác, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với rủi ro về thời tiết, rủi ro về dịch bệnh. Bởi do đặc điểm sản phẩm của ngành nông nghiệp hầu hết là tươi sống; sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết, sản xuất đòi hỏi trên phạm vi rộng lớn, tính cạnh tranh toàn cầu cao…
Chính vì các đặc điểm đặc thù đó cho nên làm nông nghiệp, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp rất khó, đòi hỏi sự quan tâm không chỉ của người sản xuất, ngành nông nghiệp mà phải có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ ở tầm vĩ mô và trong dài hạn về mặt thị trường mới đảm bảo cho người nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bớt lo lắng về đầu ra.
"GIẢI CỨU" NÔNG SẢN CHỈ LÀ BIỆN PHÁP "CHỮA CHÁY"
Dư âm của "giải cứu" nông sản, nhất là các nông sản xuất khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thậm chí là chính người nông dân. Như vậy, liệu hô hào giải cứu nông sản có đem lại hiệu ứng tốt không?
- Xét dưới góc độ tầm nhìn chiến lược, xét dưới góc độ phạm vi thì giải cứu nông sản chỉ là cách làm tạm thời, "chữa cháy", chỉ giải quyết cục bộ, không giải quyết được dưới góc độ lợi ích cho toàn xã hội và càng không phải là cách làm bền vững có tầm chiến lược lâu dài.
Để có cách làm nhằm tránh các rủi ro xảy ra đối với các sản phẩm nông nghiệp, không phải cứ khi có các rủi ro xảy ra chúng lại hô hào người dân giải cứu.
Chúng ta, đặc biệt là các nhà lãnh đạo và các cơ quan liên quan ở tầm vĩ mô, cần có chiến lược về sản xuất, chiến lược về thị trường tiêu thụ, chiến lược phòng chống các rủi ro (rủi ro thị trường, rủi ro dịch bệnh, rủi ro về thời tiết...) thông qua các chính sách vĩ mô như: Khảo sát, tìm thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, chế biến sâu, giảm tính thời vụ của các sản phẩm nông nghiệp, giảm các tác động điều kiện tự nhiên, dịch bệnh đối với sản phẩm nông nghiệp, phát triển thị trường bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp.
Chưa kể đến việc, dư âm của các cuộc giải cứu đang khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài, các trung gian môi giới nắm được thông tin. Các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, với giá giải cứu đó người nông dân cũng đã bán được, nên ép giá các doanh nghiệp Việt Nam.
Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản buộc phải hạ xuống dưới giá 4.000 đồng/kg cà rốt, gây thiệt hại không nhỏ. Bị ép giá, các doanh nghiệp thu mua trong nước lại phải ép ngược giá với người nông dân.
Trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thu mua cà rốt trả mỗi sào giá 13 - 15 triệu đồng, nhưng hiện tại, giá cà rốt chỉ còn 6 - 8 triệu đồng/sào. Chính người nông dân trồng cà rốt cũng phải chịu ảnh hưởng của dư âm giải cứu nông sản.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thế Hưng (thực hiện)