Cơ quan quản lý thuế đang "đau đầu" tính kế để có thể thu được thuế của người bán hàng online.
Liên quan tới quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần tập trung vào quản lý hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
"Vì kinh doanh qua mạng nếu không phải nộp thuế sẽ có lợi thế hơn về giá cả nên sẽ hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có nộp thuế", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại trong giao dịch thương mại điện tử, khi đó mới tạo được sự công khai, minh bạch trong quản lý thuế.
Đồng tình với quan điểm bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, vai trò của ngân hàng thương mại trong vấn đề kiểm soát thuế là rất quan trọng. Theo đó, cần có sự kết nối thông tin trong thanh toán luồng tiền, luồng hàng giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại.
Chỉ đạo về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính cần phải nỗ lực hơn trong thích ứng và ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật vào quản lý và thu thuế.
“Công nghệ đang phát triển vượt bậc, tạo ra các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ đa dạng, phức tạp và ngành thuế phải nắm bắt được xu hướng này, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đầy đủ các chính sách thuế, tạo công bằng cho tất cả các đối tượng nộp thuế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Dự thảo Luật Quản lý thuế lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online.
Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại; Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an...
Mới đây, trong một báo cáo, Chính phủ cho biết, trong năm 2017, ngành thuế đã triển khai rà soát các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nhưng chưa kê khai, nộp thuế.
Cụ thể, tại Hà Nội đã rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng. Tại TPHCM đã gửi 13.145 giấy mời trên 15.297 trang web và tài khoản facebook. Tại Đà nẵng cũng đã rà soát có 11.072 chủ tài khoản, Khánh Hòa có 6.729 chủ tài khoản, Nghệ An có 3.545 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng.
"Cơ quan thuế cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế; thực hiện thu thập dữ liệu và chuyển cho các phòng kiểm tra thuộc Cục Thuế,...", báo cáo cho hay.
Trường hợp điển hình tại TPHCM đã xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỷ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua mạng facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) khẳng định, những cá nhân đang kinh doanh trên các trang mạng điện tử như Google, Facebook đang cố tình không kê khai và nộp thuế, được xác định là hành vi trốn thuế. Do đó, cơ quan thuế có thể chuyển hồ sơ sang công an đề nghị khởi tố.
Phương Dung