Fica
  1. Thời sự

"Sếp" Quản lý thị trường: Có hiện tượng bán lại khẩu trang đã qua sử dụng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết có hiện tượng đưa khẩu trang dùng 1 lần đã qua sử dụng vào thị trường để bán. Ngoài ra có hiện tượng làm giả các vật tư y tế như nước sát khuẩn...

Sếp Quản lý thị trường: Có hiện tượng bán lại khẩu trang đã qua sử dụng - 1

Đối với thông tin một số vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh bị làm giả, hay khẩu trang bị tái sử dụng, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, điều này trở thành một đại hoạ mới đối với người dân.

Khẩu trang dùng rồi lại bán, nước sát khuẩn bị làm giả 

Thông tin trên được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tại cuộc họp khẩn tại Bộ Công Thương chiều nay (7/2).

Theo ông Trần Hữu Linh, trước tình hình dịch bệnh do virus corona xuất hiện ở Việt Nam, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch bệnh gia tăng. Qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy, thị trường có hiện tượng tăng giá các mặt hàng như: khẩu trang, nước sát trùng, sát khuẩn và găng tay y tế.

“Ở Hà Nội, tình hình rất nóng. Đến thời điểm này, riêng tại chợ thuốc Hapulico, các nhà thuốc vẫn mở, đến nay không còn tình trạng chen lấn nhưng nguồn cung hạn chế đang là vấn đề lớn. Các quầy thuốc chưa nhập được hàng mới. Họ cũng chưa rõ bao giờ có thể nhập lại”, ông Linh báo cáo tại cuộc họp.

Trước thông tin dư luận bức xúc hiện tượng nhiều quầy tại chợ thuốc Hapulico cùng treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi", ông Linh cho biết, ngay chiều ngày 4/2, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng cục QLTT đã trực tiếp khảo sát tình hình chung khu vực kinh doanh ở chợ thuốc này.

Theo đó, ông Linh cho biết, qua làm việc lãnh đạo trung tâm này cho biết, từ trước đến nay cũng chỉ có một số hiệu thuốc bán các vật tư y tế như khẩu trang. 

Ban quản lý khu vực này cũng đã có thông báo nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Về phản ánh liên quan tới việc kêu gọi “không nhập, không bán khẩu trang" trên mạng xã hội của một chủ tài khoản được cho là kinh doanh tại khu vực chợ thuốc Hapulico, ông Linh cho biết: Cơ quan QLTT và cơ quan công an đang tiến hành điều tra xử lý vụ việc này. 

Không chỉ ở khu vực Hà Nội, ông Linh cho biết hầu hết các khu vực khác đều khan hiếm mặt hàng y tế phòng chống dịch bệnh corona.

Găm hàng sẽ bị phạt “kịch" khung

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết đợt kiểm tra tập trung xử lý 3 hành vi chủ yếu: Thứ nhất là găm hàng, tiếp đến là không niêm yết giá và thứ ba là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhãn mác.

Trong đó theo ông Linh, hành vi “găm hàng" sẽ bị phạt khung cao nhất, dù số lượng ít tầm hơn 10 hộp thôi cũng xử lý ở mức cao nhất.

Đáng lưu ý, ông Linh cho biết có hiện tượng đưa khẩu trang dùng 1 lần đã qua sử dụng đưa vào thị trường để bán. Ngoài ra có hiện tượng làm giả các vật tư y tế như nước sát khuẩn.

“Nhiều đối tượng làm giả nước sát khuẩn bán trên mạng, bán giá bao nhiêu cũng có người mua”, ông Linh cho hay.

Không chỉ mặt hàng y tế, ông Linh cho rằng nếu dịch bệnh kéo dài thì có thể khan hiếm các mặt hàng khác.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng nhu cầu mua khẩu trang tăng cao một phần do mức độ phát tán dịch bệnh, phần khác là bởi yếu tố “tâm lý xã hội".

“Không chỉ Việt Nam mà ở các quốc gia khác như Singapore, một số nước châu Âu… cũng xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Đối với thông tin một số vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh bị làm giả, hay khẩu trang bị tái sử dụng, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, điều này trở thành một "đại hoạ" mới đối với người dân.

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, đối với hiện tượng này cần sớm có báo cáo gửi Bộ Y tế để phối hợp đưa ra giải pháp, tránh nguy cơ để kẻ xấu trục lợi.

Bộ trưởng cũng giao Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chủ động phối hợp cùng cơ quan QLTT để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử phạt các hành vi cạnh tranh kém lành mạnh.

Nguyễn Mạnh