Fica
  1. Thời sự

Sẽ trình Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách vượt trội về dự án ODA

Ninh An
Ninh An

Các đối tác phát triển WB, ADB, IMF, UNICEF, JICA, AFD, WHO, ILO đánh giá cao dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi.

Ngày 13/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các đối tác phát triển về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Luật này dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội. Hội thảo có sự tham dự của nhiều đối tác phát triển như WB, ADB, IMF, UNICEF, JICA, AFD, WHO, ILO...

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật đầu tư công theo hướng đơn giản hóa thủ tục, bao gồm 29 chính sách mới, tập trung trong 5 nhóm lĩnh vực.

Đặc biệt, một trong 5 nhóm chính sách được sửa đổi là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, bằng cách thiết kế một chương riêng.

Đại diện các đối tác phát triển đánh giá cao dự thảo của Luật Đầu tư công sửa đổi, đặc biệt là các chính sách về dự án ODA. Những cơ chế, chính sách được cho là vượt trội. 

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung của dự thảo như phân cấp, phân quyền trong việc phê duyệt và thực hiện các dự án; đơn giản hóa thủ tục đầu tư dự án; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập... 

Đồng thời, các nhà tài trợ cũng mong muốn Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn để có thể thực hiện luật ngay sau khi có hiệu lực.

Đáng chú ý, trước đây dự án chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Nhiều đối tác phát triển đã có ý kiến về việc phải bổ sung kế hoạch hàng năm sẽ ảnh hướng đến tiến độ triển khai, giờ dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép triển khai rồi báo cáo cấp có thẩm quyền sau (hậu kiểm).

Dự thảo phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản. Những phân cấp này phù hợp với các chính sách pháp luật trong nước. Các dự án viện trợ không hoàn lại được phân cấp cho UBND.

Sẽ trình Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách vượt trội về dự án ODA - 1
Bà Susan Lim, Chuyên gia cao cấp quản lý danh mục đầu tư, Cơ quan đại diện Thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ tại Hội thảo (Ảnh: Thục Anh/MPI).

Bà Susan Lim, đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, mục tiêu chính là làm sao sử dụng hiệu quả nhất vốn ODA. Bà đánh giá cao các thay đổi lớn của dự thảo như đơn giản hóa thủ tục; trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở cấp chính quyền địa phương.

Đại diện ADB đề xuất với dự án khẩn cấp cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, ví dụ các dự án về thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cố gắng trong thiết kế chính sách để các dự án đang chuẩn bị cũng được hưởng lợi, đồng thời phân loại rõ điều kiện đối với các dự án này.