Fica
  1. Thời sự

Sau đấu nối ồ ạt, nhiều dự án điện mặt trời mái nhà bị… ế

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tại "công xưởng" điện mặt trời mái nhà Đắk Nông, các dự án đang bị tiết giảm sản lượng điện do cung vượt quá cầu. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp mất trắng cả trăm triệu đồng/tháng.

Chủ đầu tư khóc ròng vì tiết giảm điện

Tháng 7/2020, Báo Dân trí từng có nhiều bài viết phản ánh về việc thỏa thuận đấu nối ồ ạt các dự án điện mặt trời mái nhà tại Đắk Nông.

Để kịp phát điện trước ngày 31/12/2020 theo tinh thần khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà đã được xây dựng khẩn trương tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song của tỉnh Đắk Nông.

dự án điện mặt trời mái nhà - Đắk Nông - 2021-Dương Phong-1.jpg

Công trình điện mặt trời mái nhà của ông Lê Ngọc Anh tại huyện Cư Jút (Ảnh: Đặng Dương).

Vào thời điểm đó, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện kiểm tra toàn diện việc đầu tư các công trình trước tình trạng phát triển "nóng" của loại hình năng lượng này. Bởi có hiện tượng nhiều chủ đầu tư dù chưa đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của một công trình xây dựng nhưng vẫn thực hiện thỏa thuận đấu nối.

Đến nay, khi tất cả các công trình điện mặt trời mái nhà đã được thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện, hậu quả trước mắt của việc phát triển "nóng" chính là tình trạng… điện ế. Hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà bị cắt giảm công suất phát điện và buộc phải sa thải điện.

Ông Lê Ngọc Anh, chủ một dự án điện mặt trời mái nhà kết hợp trồng nấm tại xã Ea Pô (huyện Cư Jút), cho biết, năm 2019, gia đình ông đầu tư trồng nấm công nghệ cao. Tận dụng khoảng hơn một hecta diện tích mái công trình, ông đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời (theo đúng quy định của công trình điện mặt trời mái nhà).

Tổng số vốn đầu tư cho các dự án này khoảng 26 tỷ đồng, trong đó 70% là vay từ ngân hàng thương mại.

dự án điện mặt trời mái nhà - Đắk Nông - 2021-Dương Phong-2.jpg

Việc huy động tiết giảm điện ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống lao động (Ảnh: Đặng Dương).

Tuy nhiên, từ đầu năm nay đến giờ, đặc biệt là trong các tháng 7,8,9, ông Ngọc Anh liên tục bị nhận được tin nhắn thông báo tiết giảm công suất phát lưới. Tính trung bình, mỗi tháng, một chủ đầu tư thiệt hại từ 50 đến 70 triệu đồng vì việc tiết giảm này.

"Doanh nghiệp của tôi đã 3 lần phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện. Tháng 2 và tháng 5 là tiết giảm luân phiên theo ngày nhưng từ tháng 7 tới nay, ngày nào cũng phải tự tiết giảm từ 11% đến 30% công suất", ông Ngọc Anh nói. Theo ông, việc tiết giảm này ảnh hưởng tới quá trình phục hồi vốn và trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tăng Hưng, chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà kết hợp chăn nuôi gà tại xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil), cho biết thêm, theo thông báo của ngành điện, hàng ngày chủ đầu tư đều phải tự tiết giảm điện theo tỷ lệ đã thông báo qua tin nhắn điện thoại.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện tiết giảm lại rất bất hợp lý, là từ khung giờ 8h-15h hàng ngày. Đây là khung giờ mà hoạt động sản xuất điện mặt trời hiệu quả nhất vì nắng nhiều nhất.

Theo ông Hưng, hiện nay thiệt hại khi không giải tỏa hết công suất điện của công trình điện mặt trời mái nhà là vô cùng lớn, tính trung bình mỗi ngày sẽ mất khoảng 2-3 triệu đồng. Đặc biệt, việc cắt giảm sẽ gây lãng phí loại hình năng lượng tái tạo này.

Hậu quả của đầu nối ồ ạt ?

Theo lý giải của ngành điện, năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ… khiến cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát lên hệ thống.

Ngày 5/2, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 736/BCT-ĐTĐ. Trong đó chỉ đạo khi công suất điện phát lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, cần khẩn trương điều tiết giảm công suất các nguồn điện đang phát điện lên lưới theo quy định hiện hành, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.

Để đảm bảo cân bằng giữa nguồn điện và phụ tải sử dụng điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện, Công ty Điện lực Đắk Nông phải thực hiện giảm huy động từ nguồn điện mặt trời mái nhà của khách hàng.

dự án điện mặt trời mái nhà - Đắk Nông - 2021-Dương Phong-3.jpg

Theo nhiều chủ đầu tư, việc huy động tiết giảm điện là hậu quả của việc đấu nối ồ ạt các dự án ĐMTMN (Ảnh: Đặng Dương).

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Triều, chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà tại xã Đắk Wil (huyện Cư Jút), việc cắt giảm công suất phát lưới của các dự án chỉ một phần là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Ông Triều cho rằng, bản chất của tình trạng điện ế là do công tác dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời mái nhà của ngành điện. Đã có thời điểm "bùng nổ" các dự án, hàng trăm công trình được thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện, từ đó dẫn đến tình trạng "cung vượt quá cầu" ở hiện tại.

dự án điện mặt trời mái nhà - Đắk Nông - 2021-Dương Phong-5.jpg

Nhiều chủ đầu tư cho rằng, tình trạng tiết giảm điện là do công tác dự báo của ngành điện có vấn đề (Ảnh: Đặng Dương).

Điều này được minh chứng rõ nét nhất trong số lượng các công trình điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Đắk Nông. Tính tới hiện tại, toàn tỉnh này có đến 1.631 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Trước quan điểm này, lãnh đạo Điện lực Đắk Nông cho rằng, đơn vị ghi nhận những ý kiến phản ánh của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ điện giảm, chính vì thế phải tiết giảm công suất phát lưới của các hệ thống, dự án điện mặt trời mái nhà.

"Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc là công ty điện lực các huyện, thành phố tuyên truyền, giải thích cho các chủ đầu tư hiểu rõ chủ trương này. Công ty Điện lực Đắk Nông cam kết điều tiết nguồn điện mặt trời mái nhà công bằng, khách quan, minh bạch nên rất mong các doanh nghiệp, khách hàng chia sẻ và cảm thông với ngành điện", đại diện ngành điện Đắk Nông thông tin thêm.

Theo dự kiến của Tổng Công ty Điện lực miền Trung tại Công văn số 7935 ngày 19/9, trong 4 tháng cuối năm nay, đơn vị này sẽ mua 94 triệu kWh điện, tương đương mỗi tháng khoảng 23-24 triệu kWh. Sản lượng mua điện trung bình các tháng còn lại chỉ bằng một nửa so với các tháng đầu năm.

Được biết, tỉnh Đắk Nông hiện là một trong số các địa phương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên có sản lượng điện mặt trời lớn, chỉ đứng sau Đắk Lắk và Gia Lai.

Đặng Dương