Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, vì vậy nhiều vấn đề kinh tế quan trọng của cả giai đoạn 5 năm sẽ được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trước Quốc hội.
Cùng ngày, các thành viên Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước gồm: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Quốc hội cũng xem xét các báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: Tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2020 nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020. Trong đó, tăng trưởng quý 3/2020 đạt 2,62%; 9 tháng năm 2020 mức tăng trưởng đạt 2,12% - mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề, là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cần phải nói thêm rằng, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua “đáy” trong quý 2 và đang phục hồi theo hình chữ V. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN và các đối tác lớn đều tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy.
Lạm phát được kiểm soát, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,2%; có tới 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD.
Cũng tại Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm, tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng chung.
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tốc độ tăng vốn thực hiện từ Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 và 9 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 9 tháng đạt hơn 300.000 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 60% kế hoạch năm.
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2020 từ 2,5 - 3%.
Theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch Covid-19.
Nhận định của một số định chế tài chính lớn cũng cho rằng nếu phấn đấu tốt thì Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.
Châu Như Quỳnh