Fica
  1. Thời sự

Sàn thương mại điện tử: Mảnh đất “màu mỡ” của hàng giả, hàng nhái

Thế Hưng
Thế Hưng

Liên tiếp thời gian qua, số vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị cơ quan quản lý thị trường (QLTT) phanh phui tiếp tục cho thấy những nhức nhối trong vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn chưa yên. Đáng chú ý, sự xâm lấn của vấn nạn này sang sàn thương mại điện tử ngày càng mạnh gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Phanh phui hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái

Cơ quan QLTT (Bộ Công thương) vừa kiểm tra đột xuất và bắt giữ gần 12.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội hôm 1/7 vừa qua. Cụ thể, rạng sáng ngày 1/7, Đội QLTT số 9 đã phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội đã ập vào một kho hàng chữa mỹ phẩm nằm  trong khuôn viên Công ty xây dựng Hà Nội, có địa chỉ tại 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 12.000 sản phẩm mỹ phẩm gắn nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Vanlentino, Louis Vuitton.... mà chủ hàng là Hoàng Quốc Phương (32 tuổi, hộ khẩu thường trú tại số 10 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) không hề trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của các sản phẩm này.

 

Gần 12.000 sản phẩm mỹ phẩm nghi hàng giả này đã bị cơ quan chức năng thu giữ. Theo ông Nguyễn Thế Sơn, Đội trưởng Đội QLTT số 9, Cục QLTT Hà Nội, trước đó, Đội QLTT số 9 đã thực hiện nhiệm vụ nắm bắt thị trường, xác định một cửa hàng nhỏ trưng bày và bán mỹ phẩm, nước hoa với các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới tại An Dương, quận Tây Hồ. Tuy nhiên, nhận thấy đây chưa phải là địa điểm duy nhất kinh doanh, trao đổi, mua bán, Đội QLTT số 9 đã tiếp tục trinh sát và phát hiện kho chứa  hàng hóa nằm trong khuôn viên Công ty xây dựng Hà Nội. Theo ông Sơn, số lượng gần 12.000 sản phẩm mỹ phẩm này mới được chuyển về kho, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phần lớn hàng hóa chưa được tiêu thụ.

Theo lời khai của chủ hàng, phần lớn các sản phẩm của cửa hàng và sản phẩm tại kho hàng đều được lên kế hoạch tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. “Điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trinh sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường" – ông Sơn nhấn mạnh.

Trước đó, một mạng lưới gồm  8 kho hàng, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và Hưng Yên gồm 40 tấn hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang... không rõ nguồn gốc bán qua hình thức livestream trên mạng xã hội cũng đã bị lực lượng chức năng triệt phá.

Chưa hết, hồi giữa tháng 5 vừa qua,  Cục QLTT Gia Lai cũng đã xử lý một hộ kinh doanh sử dụng mạng xã hội để livestream bán túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton. Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc vi phạm hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử liên tiếp bị phanh phui cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xâm phạm môi trường kinh doanh trực tuyến ngày càng mạnh mẽ.

Siết chặt kiểm soát sàn thương mại điện tử

Lướt lên các trang mạng xã hội hiện nay, người tiêu dùng gặp vô số các trang bán hàng online và thực hiện việc rao bán sản phẩm bằng hình thức “livestream” (phát trực tiếp), hoàn toàn khó có thể phân biệt được hàng thật,  hàng giả. Việc lợi dụng hình thức thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng, khi mà các cơ sở về pháp lý cho lĩnh vực thương mại điện tử chưa được hoàn thiện.

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua số vụ khiếu nại của người tiêu dùng về những hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử gia tăng. Các khiếu nại của khách hàng chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng,  tình trạng quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo… đang khiến cho người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào loại hình kinh doanh này.

Giới chuyên gia nhận định, công tác quản lý sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Trong khi đó, chế tài xử phạt cũng chưa thực sự mạnh tay, dẫn đến bởi vậy vi phạm trên các sàn thương mại điện tử vẫn tràn lan.

Cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thừa nhận, việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết,  Bộ Công thương đã trình Chính phủ nội dung sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử. Trong thời gian chờ sửa đổi, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt để hạn chế tình trạng này.

Thế Hưng

Tin liên quan