Chiều nay (24/10), Quốc hội thảo luận tại Tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Nếu được Quốc hội thông qua, chậm nhất đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác với công suất giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/ năm.
Thuê giám sát ngoại để tránh “tác động”
Đó là ý kiến của Tổng Thanh tra Lê Minh Khái trong phiên thảo luận tại Tổ chiều nay. Ông Khái cho rằng, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện sẽ thấy yên tâm.
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thấu đến thi công… “Kinh nghiệm và qua thực tế thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc xử lý hậu quả sẽ khó lường.” - Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4,7 tỷ USD
Ông Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. “Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.” - ông Khái cho hay.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nếu kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của Nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ.
Tâm tư chỉ định thầu
Tại phiên thảo luận của Tổ 4, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đề cập tới vấn đề chỉ định thầu Dự án và nguyện vọng của Chính phủ mong Quốc hội quyết định việc giao Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, xây dựng. Theo ông Thanh, dù thẩm quyền quyết định việc chỉ định thầu thuộc Chính phủ, Thủ tướng muốn Quốc hội nêu quan điểm để cùng đồng hành, chịu trách nhiệm…
“Quá trình thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cơ quan gặp khó khi nhiều vấn đề ngay cả Hội đồng thẩm định quốc gia cũng chưa làm xong phần việc của mình nên những nội dung như tổng mức đầu tư, kế hoạch tài chính, chính sách đặc thù dành cho dự án cũng chưa thể xem xét.” - ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong số 4 vấn đề Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định, vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao ACV đầu tư 3 hạng mục, 1 hạng mục giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Ông Thanh phân tích, ACV có 95% vốn nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22 Luật Đấu thầu. Như thế thì thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ, việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến thảo luận tại Tổ (ảnh: Phương Thảo)
Theo ông Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ ACV vì nếu xét về tiền thì có lẽ không ít doanh nghiệp khác có nhiều hơn ACV, nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng cảng hàng không thì ACV chắc chắn ưu thế.
"Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này, nếu không 5-10 năm nữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào làm, xác định chỉ định thầu như thế là sai thì không biết sẽ làm sao. Đó là vấn đề còn băn khoăn nhiều nhất." - ông Thanh bày tỏ.
Không để “đội vốn”
Ủng hộ phương án làm sân bay Long Thành như đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên Đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị quan tâm tới vấn đề đầu cơ bất động sản. Ông lưu ý trong thời gian tới cần có giải pháp, làm sao để tiền đền bù đến tận tay người có đất chứ không để giới đầu cơ trục lợi.
“Tôi đề nghị Chính phủ có quyết sách, không cho giao dịch tài sản đất vào thời điểm này và trong quá trình triển khai dự án, còn việc canh tác thì vẫn bình thường.” - ông Kim nói.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cũng băn khoăn lo lắng, vì mỗi lần có quy hoạch, triển khai dự án lại có nỗi lo về đất đai. “Chưa xin chủ trương dự án, đất đai đã phức tạp. Chính vì vậy, khi làm sân bay Long Thành cần phải khoanh lại. Để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, theo tôi, kinh phí đền bù cho dân phải được làm trước” - ông Sơn đề nghị.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng: Mối lo lớn nhất trong quá trình triển khai dự án vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng, đảo bảo tiến độ, vì các dự án toán tắc ở khâu này.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Khánh, hai đơn vị hàng không được giao nhiệm vụ triển khai dự án cũng là hai doanh nghiệp nhà nước. Ông Khánh lưu ý cần quan tâm tới việc quản lý vốn của doanh nghiệp. Vì bản chất vẫn là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nên phải được quản lý và có sự giám sát chặt chẽ, nếu không tình trạng đội vốn sẽ xảy ra.
“Trong việc huy động vốn làm sân bay Long Thành, giao cho doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm về tính hiệu quả dự án. Bài toàn lỗ lãi thế nào, trong bao nhiêu năm cần phải rõ. Nếu Quốc hội thông qua, sau này lại điều chỉnh, đầu tư lại không hiệu quả thì rất phức tạp.” – ông Khánh cho hay.
Ngoài vấn đề đầu cơ đất đai, nhiều đại biểu đề nghị hết sức lưu ý đến việc huy động vốn, lựa chọn nhà đầu tư, vì dự án này liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh. Vì vậy, nhiều ĐB đồng tình với phương án huy động vốn trong nước, chứ không phải vốn nước ngoài, vốn ODA.
Nhóm PV